Monday, May 15, 2023

Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh – Năm A –16-5-2023

Thu Ba VI PS

Gioan 16:5-11

5Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ 6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.  Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9 về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; 10về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; 11về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay hướng tôi đến với Đấng Bảo Trợ, tức là Chúa Thánh Thần.  Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.”  Theo Kinh Thánh và giáo lý, sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần đã đến, và thời đại hôm nay là thời đại của Chúa Thánh Thần.  Bản thân tôi chắc cũng đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, từ Chúa Thánh Thần.  Dù tôi không thể thấy được Chúa Thánh Thần, nhưng tôi có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài và những việc làm của Ngài.  Trong Thư Galata, Thánh Phao-lô đã nói về những tác động của Chúa Thánh Thần như sau: Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Galata 5:22-23).  Tôi cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như thế nào trong đời sống mỗi ngày, chẳng hạn như: cảm thấy lòng tràn ngập yêu thương, hoan lạc, bình an, cảm thấy vui vẻ trong nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ?  Tôi cộng tác với Chúa Thánh Thần như thế nào mỗi ngày, chẳng hạn như: làm cho những người xung quanh cảm thấy được yêu thương, hoan lạn, bình an, trở nên nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ?    

2.     Chúa Thánh Thần đến là để soi sáng cho tôi biết đường ngay, giúp tôi có sức mạnh và hướng đi cho những khó khăn và thử thách của cuộc đời.  Trong ba ngôi Thiên Chúa, có lẽ Chúa Thánh Thần là Đấng mà tôi thường lãng quên.  Trong giây phút này, có lẽ tôi cần phải hỏi chính mình: Tôi có thường chạy đến với Chúa Thánh Thần để được hướng dẫn và thêm sức mạnh?  Nên nhớ, mỗi khi tinh thần của tôi sa sút, đó chính là lúc Thần Khí Chúa có thể lấp đầy, hãy mở lòng và chạy đến với Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện trực tiếp với Chúa Thánh Thần như sau: Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới, trong lòng mọi người.  Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đốm sáng rực rỡ: khi con người ngồi lại gần nhau để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hòa bình; khi cả thế giới lo chung một mối lo: bảo vệ trái đất, ngăn chặn sida, tận diệt ma túy; khi có những người nghèo quan tâm đến người nghèo hơn; khi trẻ thơ và người già được chăm sóc; khi những hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ; khi không còn nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da; khi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho con người sống hạnh phúc; khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau, sống trên cùng một hành tinh, dưới mái nhà bầu trời.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con thấy Ngài nơi nụ cười người ta trao cho nhau trên đường phố, nơi những hy sinh vô vụ lợi, và cả nơi những thao thức của ai đó, muốn xây dựng một thế giới huynh đệ hơn”  (Lời Nguyện Rabbouni #40).

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment