Wednesday, February 12, 2020

Thứ Năm Tuần V Thường Niên – Năm A – 13-2-2020


Thu Nam V TN
1 Vua 11:4-8
4Khi vua Sa-lô-môn về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả theo các thần ngoại; lòng vua không còn chung thuỷ với Đức Chúa Thiên Chúa của vua, như lòng phụ vương Đa-vít nữa.  5Vua Sa-lô-môn đi theo nữ thần Át-tô-rét của dân Xi-đôn, theo thần Min-côm ghê tởm của dân Am-mon.  6Như thế, vua Sa-lô-môn làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, chứ không theo Đức Chúa trọn vẹn như phụ vương Đa-vít.  7Bấy giờ vua Sa-lô-môn xây trên núi đối diện với Giê-ru-sa-lem một nơi cao cho thần Cơ-mốt ghê tởm của dân Mô-áp, cho thần Mô-léc ghê tởm của con cái Am-mon.  8Vua làm như thế với tất cả các bà vợ ngoại đạo của vua; họ đốt hương và sát tế kính các thần của họ.

(Trích Sách Các Vua I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay đề cập đến sự phản bội của Vua Sa-lô-môn với Thiên Chúa.  Phản bội với Thiên Chúa là một chủ đề lớn xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước.  Con người, bất kể là ai từ vua đến tôi, trong Kinh Thánh cũng như đời thường, xưa cũng như nay, đều mắc phải một lỗi này: Bội phản.  Thiên Chúa như người cha, người mẹ rất nhân từ, hết mực yêu thương con cái, đêm ngày ngóng trông, dong duổi tìm con cái đã bỏ nhà đi hoang.  Vua Sa-lô-môn, một vị vua rất được lòng Thiên Chúa khi mới lên ngôi, ấy vậy mà cuối đời, ông đã bị các bà vợ của ông dụ dỗ theo các tà thần khác mà bỏ Chúa.  Nhìn lại lịch sử cứu độ và sự bội phản của con người, có thể giúp tôi biết khiêm nhường và hy vọng.  Khiêm nhường, vì dù tôi có thánh thiện đến mấy đi nữa cũng không thể tránh được lầm lỗi, bởi vậy tôi không thể tự cao tự đại, miệt thị người khác vì họ lỗi lầm.  Hy vọng, vì dù tôi có tội lỗi như thế nào đi nữa, Chúa vẫn luôn chờ đợi và tìm tôi.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi xin Chúa cho tôi được sự khiêm nhường để trở về với Ngài; đồng thời, cũng biết khiêm nhường để đến với mọi người, dù họ có tội lỗi bất toàn như thế nào.  
2.      Ngay ở câu đầu của bài đọc hôm nay về sự bội phản của Vua Sa-lô-môn với Chúa, tôi có thể nhận ra kiểu nói rất đặc biệt trong ngôn ngữ của Kinh Thánh.  Tác giả viết: “Lòng vua không còn chung thuỷ với Đức Chúa Thiên Chúa.”  Tác giả dùng chữ “chung thủy” chứ không dùng chữ “trung thành.”  Theo lẽ thường, “trung thành” là chữ được dùng để chỉ sự gắn bó trước sau như một giữa vua với tôi, giữa dân với nước, giữa dân với các thần minh.  Trong khi đó, “chung thủy” là chữ chỉ dùng riêng cho sự gắn bó tình yêu vợ chồng.  Chỉ trong Kinh Thánh tôi mới bắt gặp kiểu dùng chữ “chung thủy” để nói về tương quan giữa dân Do-thái với Thiên Chúa.  Như vậy, tác giả Kinh Thánh muốn nói tương quan giữa con người với Thiên Chúa là một tương quan rất thân mật, rất riêng tư và rất sâu kín như vợ với chồng, chứ không chỉ như vua tôi, và dân nước.  Đây có thể là điều mà tôi cần suy ngẫm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Tương quan giữa tôi với Chúa trước giờ như thế nào?  Có bao giờ tôi đến với Chúa bằng một sự thân mật như vợ với chồng, hay tôi chỉ đến với Ngài như thần dân với vua?  Tôi có thể nói chuyện với Thiên Chúa trong lúc này, xin Ngài giúp tôi hiểu và yêu Ngài, một cách thân mật và nên một với Ngài.        
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment