Tuesday, May 16, 2023

Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh – Năm A –17-5-2023 – Lễ Vọng Thăng Thiên

Thu Tu VI PS

Mát-thêu 28:16-20

16Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.  Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nằm ở phần kết của Phúc âm Mát-thêu, trong đó tôi có thể thấy Chúa Giêsu nói những lời cuối cùng với các môn đệ.  Thứ nhất, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng cho muôn dân và làm phép rửa nhân danh ba ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần.  Lệnh truyền này đã trở thành nền tảng cho Phép rửa của Kitô giáo.  Bất cứ Phép rửa nào chỉ nhân danh một hoặc hai ngôi Thiên Chúa, mà không nhân danh Chúa Con và/hoặc Chúa Thánh Thần, phép rửa đó không phải là của Kitô giáo.  Bởi vậy, những anh chị em từ Chính Thống Giáo, Anh Giáo, hoặc Tin Lành Luther, Protestant, khi gia nhập Công giáo La-mã, họ không phải chịu Phép rửa nữa, vì Giáo hội Công giáo công nhận phép rửa của họ, có nhân danh ba ngôi Thiên Chúa.  Kể từ khi tôi được lãnh Phép rửa nhân danh ba ngôi Thiên Chúa, dù khi ấy tôi còn nhỏ hay đã lớn, tôi luôn được mời kết hiệp với ba ngôi Thiên Chúa trong cả một ngày sống, chẳng hạn: mỗi khi làm dấu thánh giá nhân danh ba ngôi Thiên Chúa lúc mở đầu và kết thúc giờ kinh sáng hoặc kinh tối, trước và sau mỗi khi ăn, khi uống thuốc, khi làm bất cứ việc gì và đặc biệt nhiều lần trong mỗi Thánh lễ.  Tuy nhiên, tôi ý thức việc làm này như thế nào và kết hiệp mật thiết với ba ngôi Thiên Chúa ra sao, hay tất cả mọi ngày sống và mọi việc làm trong ngày tôi đều làm như cái máy và chẳng có một ý thức liên kết nào với ba ngôi Thiên Chúa?  Tôi muốn ý thức, liên kết mật thiết với ba ngôi Thiên Chúa hơn kể từ nay trở đi, mỗi khi làm dấu thánh giá và trước khi bắt đầu một công việc gì trong ngày.

2.     Mát-thêu mở đầu chương đầu tiên Phúc âm của ngài bằng câu: Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1:23), ngài cũng kết thúc Phúc âm của ngài bằng câu: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).  Trong suốt hai ngàn năm qua, chủ tế cũng lập lại nhiều lần trong mọi Thánh lễ của người Công giáo, câu: “Chúa ở cùng anh chị em”.  Như vậy, Giáo hội rất ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn ở cùng Giáo hội trong mọi nơi và mọi lúc.  Tôi có ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu ngay trong giây phút này của giờ cầu nguyện, mỗi khi tham dự Thánh lễ và trong mọi biến cố của cuộc sống mỗi ngày?  Tôi muốn định tâm và ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu ngay trong giây phút này, để chiêm ngắm, tôn thờ, đàm đạo, hiểu và yêu Ngài hơn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Làm Dấu,” do Phan Đinh Tùng trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=puGYH2otqqk

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment