Mác-cô 7:31-37
31Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn,
đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32Người ta đem một người vừa điếc
vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33Người
kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước
miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra! 35Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại.
Anh ta nói được rõ ràng. 36Đức Giê-su cấm họ không được
kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe
được, và kẻ câm nói được.”
(Trích
Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một trong những
phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho dân ngoại.
Câu chuyện trong bài đọc hôm nay, nằm ngay sau câu chuyện Chúa Giêsu trừ
quỷ cho con gái của một người đàn bà dân ngoại, gốc Hy-lạp, và nằm trước câu
chuyện Ngài làm phép lạ bánh hóa nhiều cho bốn ngàn người ăn no, tại vùng đất
của dân ngoại. Những sự kiện như vậy cho
tôi thấy điều gì? Chúa Giêsu vươn ra với
dân ngoại và ngài cũng rất mực yêu thương họ.
Tôi có thể học được điều này ở Chúa Giêsu không? Kể từ nay, tôi muốn có một cái nhìn tích cực,
một lối nghĩ đẹp, một cách ứng xử đầy tôn trọng và lịch thiệp đối với tất cả
mọi người, bất kể họ là Công giáo hay thuộc bất cứ tôn giáo nào. Có như thế, tôi mới thật sự là môn đệ của Chúa
Giêsu, mới xứng danh là Công giáo, mới gọi là truyền giáo, bằng không tôi thật
sự là kẻ phản Kitô và là người phá đạo Công giáo tích cực nhất. Tôi muốn đọc lại bài đọc trên, ngồi bên Chúa
trong lúc này, để được Ngài huấn luyện, giúp tôi biết mở lòng, biết nhìn mọi
người bằng con mắt của Chúa.
2.
“Ephphata, hãy mở ra!” Với câu nói này, Chúa Giêsu đã
mở tai và mở lưỡi cho anh bệnh nhân, rồi Ngài cấm mọi người không được đồn đại vệ
việc này. Tuy nhiên, mọi người đã loan truyền tin vui này khắp vùng. Dù
bị cấm, nhưng họ không thể không khoe với mọi người về những gì Chúa Giêsu
đã làm trước mắt họ. Cầu nguyện là nhận ra những phép lạ Chúa làm trong cuộc đời này và đặc biệt cho chính tôi mỗi ngày, từ đó tôi có thể cao rao về những ân huệ Ngài ban. Có lẽ tôi cũng muốn
đặt câu hỏi với chính mình: Tôi có bị câm và bị điếc không? Nếu không, tại sao đời sống đức tin của tôi
yếu thế? Tôi đi lễ mỗi tuần, cầu nguyện
mỗi ngày, nhưng những giờ kinh nguyện ấy có phải là những giây phút mà lòng tôi
trào dâng lời ca tụng Thiên Chúa đến mức thiên hạ không bịt miệng tôi được, hay
chỉ là những giây phút tôi phải kéo lê thân xác tôi đến nhà thờ một cách uể
oải, nặng nề? Tôi đã là Kito hữu bao
nhiêu năm, đi lễ hằng tuần, đọc kinh vang cả xóm, rước kiệu mòn cả dép, ấy vậy
mà tôi đã biết Chúa chưa, đã có một sự kết thân với Ngài chưa, hay mỗi khi ai đó
hỏi tôi về Chúa, tôi lại trốn, dẫy đay đảy như đỉa phải vôi? Xã hội quanh tôi thối nát và băng hoại, cần
những tấm lòng vàng, cần những con người liêm chính và bác ái mẫu mực, kiếm đỏ
con mắt trong xứ đạo và gia đình tôi, không có được một người? Có lẽ lời cầu nguyện cần thiết nhất trong lúc
này là: “Ephphata! Lạy Chúa xin mở lòng,
mở trí, mở tai, mở lưỡi, mở mắt, mở tay, mở chân con!”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment