Mác-cô 7:1-6
1Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Ba điều làm nên đạo lý của một người Do-thái: Thứ nhất, cắt bì; thứ hai, giữ ngày Sa-bát, và thứ ba, giữ thanh sạch. Nếu đọc Kinh thánh, tôi sẽ thấy ba điều này thường xuyên được đề cập. Bài đọc hôm nay đề cập đến luật thanh sạch. Những người Pha-ri-sêu và kinh sư chê trách các môn đệ của Chúa Giêsu đã không rửa tay trước khi ăn. Thật sự, không có gì sai khi đòi hỏi người ta phải rửa tay trước khi ăn, đặc biệt với văn hóa ăn bốc như Do-thái, tức không dùng muỗng, nĩa hay đũa. Rửa tay trước khi ăn là vấn đề tốt và hợp vệ sinh, mà ngay cả hôm nay, đâu đâu cũng được khuyến khích, dù tôi có dùng dao, nĩa, muỗng hay đũa khi ăn. Vấn đề giữ gìn vệ sinh trước khi ăn đã trở thành luật, buộc mọi người Do-thái phải giữ, có thể đã hình thành sau những đại dịch giết người hàng loạt nào đó. Ngày hôm nay cũng thế, đại dịch coronavirus tại Trung Quốc đã khiến nhiều chính phủ phải đưa ra những điều luật về vệ sinh chung. Chuyện đụng độ giữa Chúa Giêsu và những người Pha-ri-sêu cũng như các kinh sư, không phải là Chúa Giêsu phủ nhận việc rửa tay trước khi ăn, nhưng Ngài muốn họ xác định lại những giá trị ưu tiên: Đâu là điều quan trọng nhất trong đạo lý của một con người? Giữ luật vệ sinh thể lý hay luật vệ sinh tâm hồn? Có lẽ, đây cũng là câu hỏi giúp tôi phân định lối sống đạo của tôi bao lâu nay: Giữ đạo hay sống đạo? Giữ luật hay giữ tương quan mật thiết với Thiên Chúa?
2. Giờ đây, tôi cũng muốn xem lại ngay giây phút đầu tiên của giờ cầu nguyện hôm nay: Tôi đã bước vào giờ cầu nguyện này bằng tất cả lòng mến, sự khao khát muốn gặp Chúa, hay tôi đã đến vì luật buộc, nếu không cầu nguyện sẽ mắc tội, nếu không cầu nguyện sẽ xuống hỏa ngục? Tôi đã bước vào giờ cầu nguyện với tất cả sự khao khát tìm gặp Chúa ngay bây giờ? Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment