Monday, October 30, 2023

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 31-10-2023

Thu Ba XXX TN

Rô-ma 8:18-25

18Thưa anh em, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. 19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. 24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? 25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cho tôi thấy Thánh Phao-lô đang muốn củng cố với các Kitô hữu của ngài ở Rô-ma rằng, Thiên Chúa thật sự đang nắm quyền trên mọi sự và Ngài biết Ngài đang làm gì.  Ngài biết rằng họ đang “đau khổ”, nhưng một vinh quang lớn hơn sắp được tỏ ra cho họ.  Hãy hình dung tôi cũng đang nhận được bức thư này của Phao-lô, và lần đầu tiên tôi được đọc những dòng chữ này của Phao-lô, phản ứng của tôi là gì?  Thánh Phao-lô nói về “sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa”.  Tôi nghĩ điều này có thể có ý nghĩa gì đối với những Kitô hữu ở Rô-ma?  Ngày hôm nay thì những lời này có ý nghĩa gì với tôi?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa.  Có một từ, cụm từ, hay ý tưởng nào mà tôi cảm thấy đang nói với hoàn cảnh sống của tôi hôm nay?  Tôi muốn nhìn lại tất cả những phản ứng của tôi đối với trích thư đáng chú ý này và xem, liệu tôi có thể kết hợp chúng lại với nhau trong một lời cầu nguyện thể hiện vị thế của tôi hay không.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment