Mát-thêu 5:1-12a
1Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người
ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy
họ rằng: 3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của
họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc
thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót
thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn
thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi
là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì
Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta
sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12a Anh em hãy vui mừng
hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay nghe giống một câu chuyện khá quen trong Cựu Ước, đó là:
Mô-sê truyền Mười Điều Răn cho dân chúng, một triết lý sống căn bản và nền tảng
của Do-thái Giáo. Chúa Giêsu là một Mô-sê mới, nói theo ngôn ngữ của Mát-thêu,
Ngài cũng lên núi và truyền Tám Mối Phúc cho dân chúng, Hiến Chương Nước Trời
và là nguyên lý đức tin của Kitô Giáo. Không
ai phủ nhận Mười Điều Răn là rất hay và cần thiết, nhưng Tám Mối Phúc là những
lời dạy của Chúa Giêsu không muốn tôi chỉ ở lại trong những gì rất hay ấy,
nhưng thúc bách tôi phải tiến tới không ngừng trên con đường nhân đức. Là một Kitô hữu, Tám Mối Phúc này có phải là
Tám Mối Phúc THẬT, RẤT THẬT, RẤT QUAN TRỌNG đối với tôi đến nỗi, chúng đi vào mọi
góc cạnh đời sống thường ngày của tôi, trở thành bản năng sống mỗi ngày của tôi? Nếu có, tôi thật sự là một Kitô hữu, còn nếu
tôi chỉ quan tâm đến Mười Điều Răn, tôi mới chỉ là một Mô-sê hữu. Tôi muốn dành giây phút này nói chuyện với
Chúa Giêsu về những lời dạy của Ngài.
2.
Tôi muốn đọc lại thật chậm những mối phúc
trên, có thể chọn ra một mối phúc và tự vấn lương tâm về mối phúc ấy, xem từ
trước đến giờ tôi đã sống như thế nào.
Chẳng hạn, Chúa Giêsu nói: “Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Tâm hồn tôi có thật sự đang được lấp đầy bởi
Nước Trời, hay những thứ khác? Có phải
tâm hồn tôi đang rất giầu những đam mê vật chất, những tội lỗi, những thù ghét,
tham lam ích kỷ đến mức, chẳng muốn Nước Trời chăng? Hoặc, “Phúc
thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” Đất Hứa là nơi tràn ngập sự hiền hòa, chan chứa
yêu thương, quảng đại và nhẫn nại trào tràn như đại dương. Tâm hồn tôi đang chất chứa những đặc tính của
Đất Hứa, hay chất chứa toàn những sự hung dữ, tranh chấp thua đủ với mọi người chung quanh, ganh tị từng li từng tí một?
Hoặc, “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ
sẽ được Thiên Chúa an ủi.” Thiên
Chúa không cấm tôi vui, cũng chẳng khuyên tôi sống trong đau khổ, nhưng những
khi sầu khổ tôi thường tìm đến những ai và những gì để bớt sầu khổ? Có phải tôi thường tìm đến là ma túy, rượu
chè, cờ bạc, tình dục, vật chất để được an ủi, mà không tìm đến với Chúa là nguồn
an ủi đích thực? Hoặc, “Phúc thay ai khao khát nên người công
chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.” Tôi đang khao khát gì mỗi sáng thức dậy? Công chính theo Kinh Thánh không chỉ có công bằng,
nhưng còn là sống và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Như Áp-ra-ham, như Giuse, họ được kể là những
người công chính vì luôn sống tốt lành, ngay thật và làm theo thánh ý Thiên
Chúa. Đối với những người đó họ được đầy
đủ tất cả, không còn thiếu gì nữa vì, họ đã có Thiên Chúa. Một ngày kiếm sao cho nhiều tiền, bằng mọi
cách? Một ngày sao cho nhiều thành công,
bằng mọi cách? Có tiền và thành công
không bao giờ là một điều xấu, nhưng là một Kitô hữu, nhiều tiền và thành công
không phải là những khao khát tối ưu mỗi ngày của tôi. Điều quan trọng là thánh ý Chúa trong việc
tôi kiếm tiền và trong việc gặt hái từ thành công này đến thành công khác. Nếu có sự khao khát công chính kiểu này, tôi sẽ
cảm thấy rất bình an và thỏa mãn đến mức chẳng khát khao điều gì nữa. Hoặc, “Phúc
thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” Leo Tolstoy, một đại văn hào của Nga nói: “Nếu bạn cảm thấy đau, có nghĩa là bạn còn sống;
nếu bạn cảm thấy nỗi đau của người khác, có nghĩa là bạn là con người – If you feel pain you’re alive, if
you feel other people’s pain, you are a human being.”
Như vậy là con người là biết xót thương.
Hãy sống hết mình là một con người đi, tức là luôn biết xót thương đi, sẽ
không bao giờ lỗ, bởi sẽ luôn được Thiên Chúa bù đắp đến hơn cả những gì tôi cho
đi. Hoặc, “Phúc thay ai xây đựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” Đọc toàn bộ các Phúc âm về cuộc đời Chúa Giêsu,
hòa bình, bình an luôn luôn là tâm điểm công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu. Tôi đã sống hòa bình, khát khao là sứ giả
bình an như thế nào trong cuộc đời này?
Nếu tôi làm được như vậy, đó là dấu chỉ chắc chắn tôi là con của Thiên
Chúa. Nếu tối ngày tôi chỉ buôn chuyện,
nói hành người khác, gieo thù oán và gây chia rẽ, đây là dấu chỉ chắc chắn tôi
là con của quỷ. Hoặc, “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước
Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì
Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng
dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Tôi dám tin vào điều dạy này của Chúa Giêsu và
dám thực hành không, đặc biệt những khi tôi bị bắt bớ, hiểu lầm và chống đối? Thực hành được điều này không dễ một chút
nào, cần phải có đức tin, sự can đảm và rất nhiều ơn Chúa tôi mới làm
được. Niềm tin Kitô giáo không bao giờ
dành cho những kẻ hèn nhát, nhưng là dành cho những người có sức mạnh, để thắng
được chính mình, thắng được cái tôi kiêu căng, ích kỷ và thù oán. Tôi tìm đâu để có được sức mạnh? Cầu nguyện.
Chỉ đời sống cầu nguyện mới giúp tôi thắng được mọi chướng ngại của thế
gian. Tôi sấp mình cầu nguyện!
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment