2 Cô-rin-tô 13:11-13
11Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng
nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau,
hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và
bình an, sẽ ở cùng anh em. 12 Anh em hãy hôn chào nhau cách
thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở
đây gửi lời chào anh em. 13 Cầu chúc toàn thể anh em được đầy
tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp
thông của Thánh Thần. A-men.
(Trích Thư Cô-rin-tô II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay nằm trong đoạn kết Thư
Cô-rin-tô II của Phao-lô. Phao-lô đã kết thúc thư này bằng câu: “Cầu chúc toàn thể anh
em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa,
và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.” Phao-lô đã nói đến ba ngôi Thiên Chúa. Giáo hội cũng dùng bài này trong ngày
Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu
nhiệm phổ biến nhất, nhưng cũng là mầu nhiệm khó hiểu nhất, khó hiểu đến mức, có
người cho rằng Giáo hội đã bịa ra mầu nhiệm phức tạp này, chứ làm gì có
một Chúa mà ba Ngôi! Không. Giáo hội không tự tạo ra mầu nhiệm phức tạp
này, nhưng dựa vào Kinh Thánh, và Kinh Thánh có rất nhiều chỗ nói về một Chúa, nhưng ba Ngôi, cụ thể như tôi thấy trong bài đọc hôm nay. Tôi muốn dành giây phút này để suy ngẫm về sự
hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Tôi hình
dung thế nào về tình yêu của ba ngôi Thiên Chúa, cùng chia sẻ quyền năng như
nhau?
2.
Tôi muốn đọc lại bài đọc trên một lần nữa và để ý câu nào, chữ nào
gây ấn tượng nhất đối với tôi. Tôi nghĩ Chúa
đang muốn nói gì với tôi hôm nay qua câu, chữ ấy? Điều gì còn đọng lại trong tôi khi thời gian
cầu nguyện sắp sửa kết thúc? Tôi muốn
chia sẻ với Chúa bằng cả khối óc và con tim của tôi về điều ấy. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện ngày bằng việc làm
dấu thánh giá một cách cung kính để tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi,
như ý nghĩa của ngày lễ hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment