Mác-cô 11:15-19
15Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi
những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc, và xô ghế
của những kẻ bán bồ câu. 16 Người không cho ai được mang
đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17 Người giảng dạy và nói với
họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của
mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến
thành sào huyệt của bọn cướp!” 18 Các thượng tế và kinh sư
nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất
ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. 19 Chiều đến, Đức
Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một trình thuật về một
sự kiện rất quan trọng mà cả bốn Phúc âm đều ghi nhận, đó là: Chúa Giêsu giận
dữ lật đổ các bàn đổi tiền và đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ (Mc
11:15-19; Mt 21:12-17; Lc 19:45-48; Ga 2:13-22). Mặc dù bốn Phúc âm đều ghi nhận biến cố này,
nhưng Gioan lại có sự sắp xếp khác hẳn so với ba Phúc âm kia. Gioan đặt biến cố này vào chương Hai, tức là
phần đầu Phúc âm của ngài; trong khi đó, ba Phúc âm kia đặt biến cố này vào gần
cuối Phúc âm của họ. Có nhiều chi tiết
mà tôi có thể dùng để suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm nay. Chẳng hạn, Chúa Giêsu nói với những người đổi
tiền và buôn bán trong đền thờ: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của
mọi dân tộc sao?” Đúng vậy. Nhà của Chúa phải là nhà của cầu nguyện của
mọi dân tộc, chứ không chỉ của người Do-thái. Tuy nhiên, các
thượng tế và lãnh đạo đền thờ đã phân chia đền thờ thành từng khu vực
cho từng nhóm người, chẳng hạn: khu vực ngoài cùng dành cho dân ngoại, nơi mà
người ta buôn bán và đổi tiền, từ tiền thế tục qua tiền đền thờ, sau đó là khu
vực dành cho nữ giới, kế đến là khu vực dành cho nam giới và cuối cùng là khu
vực dành cho các tư tế thuộc họ Lê-vi.
Ai đi vào khu vực của người khác, chẳng hạn dân ngoại mà vào chung với
người Do-thái, hoặc nữ giới mà vào khu vực của nam giới sẽ bị phạt rất nặng,
đến tử hình. Trong Thiên Chúa không có
sự khác biệt nam hay nữ, giầu hay nghèo, dân riêng hay dân ngoại, hoặc loại
tiền nào. Những luật lệ phức tạp chỉ là
do con người đặt ra để kiểm soát nhau, để chia cách nhau. Như vậy, việc Gioan đặt biến cố này vào đầu
Phúc âm của ngài là rất có lý, nhằm nêu rõ vai trò của Chúa Giêsu, Ngài đến để đặt
lại những giá trị mới trong đời sống đức tin.
Kể từ biến cố này trong chương Hai cho đến cuối Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu
không ngừng rao giảng về một trật tự mới. Có khi nào tôi cũng là người đổi tiền trong
đền thờ ngày nay khi mà, tôi đặt ra đủ mọi thứ luật lệ nhằm chia cách nhau,
phân biệt đối xử, hoặc để quan trọng hóa vai trò của tôi, khiến bất cứ ai muốn
đến với Chúa đều phải qua tôi? Chẳng hạn,
phải đọc những kinh này và đọc bằng này kinh, đi lễ phải bằng tiếng La-tinh, đi
lễ thì phải trùm khăn đầu, rước lễ thì phải rước bằng lưỡi…? Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý Chúa nói gì
với tôi trong cách thực hành đức tin, hoặc cách tôi đối xử với mọi người trong
nhà thờ bao lâu nay. Tôi xin Chúa giúp
tôi làm cuộc cách mạng với chính mình trước nhất.
2.
Việc làm của Chúa Giêsu trong đền thờ
ngày hôm ấy đã khiến cho các thượng tế và kinh sư phẫn nộ đến mức, họ tìm cách
giết Ngài. Như vậy tôi có thể thấy, các
tác giả Nhất Lãm đặt biến cố này vào trước cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là có chủ
đích. Chủ đích ấy là, cái chết của Chúa Giêsu
không phải là một định mệnh, một cái gì đã được sắp đặt, nhưng là điểm đến cho
những lựa chọn hoàn toàn tự do của Chúa Giêsu, qua những lời Ngài giảng và những
việc Ngài làm. Tôi muốn dành giây phút
này để suy nghĩ về đời sống đức tin của tôi.
Đức tin của tôi có phải là một chọn lựa đầy tự do, hay tôi đi lễ chỉ vì
ba mẹ tôi đã rửa tội cho tôi khi mới chào đời?
Việc đi lễ hoặc cầu nguyện của tôi có phải là một sự lựa chọn đầy tự do
và phát xuất từ lòng yêu mến Chúa, hay đi vì luật buộc? Việc ăn chay, làm việc bác ái vì những thôi
thúc của một tâm hồn yêu mến Chúa và tha nhân, hay vì luật buộc và vì để được
tiếng khen? Tôi muốn ngồi bên Chúa Giêsu
trong giây phút này để, định hướng lại cuộc sống của tôi: kể từ hôm nay, mọi
thực hành đức tin của tôi phải phát xuất từ lòng mến Chúa và tha nhân, đồng
thời phải là những việc làm đầy tự do.
Tôi muốn bắt chước Chúa Giêsu diễn tả đức tin bằng những việc làm cụ
thể, cho dù phải thiệt thân.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment