Gioan 15:1-8
1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha
Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà
không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người
cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa
trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong
Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người
ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì
được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra
ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người
ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì
muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và
trở thành môn đệ của Thầy.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay thật phong phú và tôi
có thể dừng ở bất cứ câu nào trong bài đọc để suy niệm và cầu nguyện. Chẳng hạn, tôi để ý đến ba hình ảnh rất gần
gũi và thân mật giữa Chúa Cha (người trồng nho), Chúa Giêsu (cây nho) và tôi
(cành nho). Chúa Cha yêu Chúa Giêsu và
tôi hết mình, như người trồng nho rất yêu quý cây nho, ngày ngày tưới tắm, cắt
tỉa, bón phân và chăm thuốc cẩn thận. Tôi
muốn hình dung cảnh Chúa Cha ngày ngày chăm bón cho cây nho rất yêu quý của
Ngài. Ngài chỉ muốn những điều tốt đẹp
cho cây nho và mong chờ những hoa trái tốt tươi từ cây nho. Nếu có xịt thuốc, hoặc cắt tỉa cũng là để cho
cây nho không bị sâu bệnh và sinh nhiều hoa trái. Ngài ngắm nhìn cây nho và từng cành nho, nghĩ
suy, rồi chạm đến từng chiếc lá để kiểm sâu thăm bệnh cho cây nho. Có khi nào tôi cảm thấy hạnh phúc là một Kitô hữu, vì được thuộc về Chúa Kitô, cây nho rất yêu quý của Chúa Cha? Có khi nào tôi cảm thấy hạnh phúc được Chúa
Cha chăm sóc, dù có những ngày Ngài đã tỉa lá nơi tôi? Tôi có thể nhìn lại đời sống của tôi và để ý,
Chúa Cha thường đến chăm tỉa lá cho tôi khi nào? Tôi có chấp nhận cho Ngài cắt tỉa những lá
sâu trong đời sống của tôi, chẳng hạn như những chứng hư tật xấu, để tôi được
khỏe mạnh? Nhà nông không bao giờ tỉa
cây vào mùa thu, nhưng vào mùa xuân, khi cành sum suê lá, đó cũng là những lúc
tôi đang rất thành công trong nhiều lãnh vực, cả những lúc đó Chúa cũng đến
thăm tôi để tỉa cho tôi bớt lá, hầu tôi có thể sinh nhiều hoa trái; nếu không tôi
sẽ chỉ nuôi lá mà không sinh trái, tôi có hài lòng những lúc ấy? Tôi có thể nhìn lại những kinh nghiệm được
hoặc bị Chúa cắt tỉa. Tôi cảm thấy tương
quan giữa tôi với Chúa Cha, với Chúa Giêsu như thế nào? Tôi nói chuyện với Chúa Cha và Chúa Giêsu về
những lúc rất đau, rất tiếc ấy?
2. Bài đọc hôm nay khởi đầu cho một
chương mới trong Phúc âm Gioan, nhưng cũng vẫn ở trong phần những lời trăn trối
và từ biệt của Chúa Giêsu. Tôi sẽ hiểu
và yêu mến những lời của Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay hơn, nếu tôi đọc với
tất cả ý thức về tâm trạng trăn trối của Ngài. Văn hóa nào cũng vậy, người ta đều coi trọng
những lời cuối cùng của một người trước khi họ đi xa, hoặc qua đời. Người ta rất nghiêm túc nhớ từng chữ và cẩn
thận ghi nhận từng cử chỉ của người sắp đi xa hoặc lìa đời. Tôi cũng muốn đọc và
suy ngẫm một cách nghiêm túc bài đọc hôm nay như những lời trăn trối cuối cùng,
rất thân mật của Chúa Giêsu dành cho những người Ngài yêu thương, trong đó có
tôi. Chẳng hạn, còn hình ảnh nào đẹp,
gần gũi và thân mật cho bằng hình ảnh: Thầy là cây nho, các con là cành? Một hình ảnh rất đẹp để nói lên sự ao ước của
Chúa Giêsu, muốn tôi nên một với Ngài, hơn cả hình với bóng. Tôi muốn nhẩm đi nghĩ lại câu nói này của
Chúa Giêsu và muốn nên một với Ngài, trở thành một chi thể trong thân thể Ngài,
để Ngài sống, tôi cũng sống; Ngài ở đâu, tôi cũng ở đó với Ngài. Tôi muốn dành cả thời gian của giờ cầu nguyện
này để ở lại trong hình ảnh Chúa Giêsu là cây nho và tôi là cành nho, ngay
trong giây phút này. Tôi cố gắng và xin
cho được cảm nghiệm một dòng chảy sự sống luôn tuôn chảy từ Chúa Giêsu qua tôi
và chảy lại từ tôi qua Chúa Giêsu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment