Gioan 15:9-11
9Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế
nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh
em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ
các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã
giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các
điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm
vui của anh em được nên trọn vẹn.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Cũng vẫn những lời từ biệt rất nghiêm
túc, đầy thân tình trong những giờ phút cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bị bắt,
Ngài nói với những người Ngài thương mến: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em
hãy ở lại trong tình thương của Thầy.”
Tôi ngẫm suy từng chữ của lời này.
Chúa Giêsu yêu tôi bằng tình yêu của Chúa Cha yêu Ngài? Như vậy là lớn lắm! Bởi tình yêu ấy mà Chúa Cha và Chúa Giêsu là
một, và như thế Chúa Giêsu cũng muốn tôi nên một với Chúa Cha và Ngài? Ngài mời gọi tôi hãy ở lại trong tình yêu ấy.
Lưu ý, trong Phúc âm Gioan không có chữ “cầu nguyện”. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, chữ cầu
nguyện trong Phúc âm Gioan là “Ở lại.” Mà ở lại trong Phúc âm Gioan không như hai
người ở trong cùng một phòng, dù thương yêu và gắn bó đến mấy, họ vẫn là hai
người riêng biệt, người này đau bệnh, người kia không thể mang bệnh giùm được. Trong khi đó, Chúa Giêsu nói ở lại theo một
nghĩa khắng khít hơn nhiều, như bài đọc hôm qua Ngài nói: cành nho ở lại trong
cây nho, như chi thể ở trong cơ thể, tức là trở thành một, để Chúa sống tôi
cũng sống, Chúa ở đâu tôi cũng ở đó với Ngài, tôi bệnh Ngài cũng đau khổ với
tôi. Tôi muốn suy ngẫm thật kỹ hình ảnh
nên một mà Chúa Giêsu đang mời gọi tôi.
Tôi muốn đi vào trong tương quan nên một với Thiên Chúa ở mức độ thật sâu
như Ngài muốn.
2. Chúa Giêsu chia sẻ những lời rất chân
tình trong những giờ phút cuối cùng đầy yêu thương và quyến luyến, để niềm vui
của tôi được trọn vẹn. Tôi đọc lại bài
đọc trên thật chậm như chiêm ngắm một di sản quý của Chúa dành cho tôi. Tôi nghiền ngẫm từng chữ, ở lại trong từng
rung cảm đang đụng đến cõi lòng của tôi, dừng lại ở những thắc mắc và hỏi
chuyện với Chúa Giêsu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment