Công Vụ Tông Đồ 16:1-10
1Hồi ấy, ông Phao-lô đến Đéc-bê, rồi đến Lýt-ra. Ở đó có một môn đệ tên là Ti-mô-thê, mẹ là
người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. 2 Ông
được các anh em ở Lýt-ra và I-cô-ni-ô chứng nhận là tốt. 3 Ông
Phao-lô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì,
vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy; thật vậy, ai cũng biết cha ông là người
Hy-lạp. 4 Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh
em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Giê-ru-sa-lem ban bố, để họ
tuân giữ.
5 Vậy các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm
đông số. 6 Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh
Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a. 7 Khi
tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức
Giê-su không cho phép. 8 Các ông bèn đi qua miền My-xi-a
mà xuống Trô-a. 9 Ban đêm, ông Phao-lô thấy một thị kiến: một
người miền Ma-kê-đô-ni-a đứng đó, mời ông rằng, “Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a
giúp chúng tôi!” 10 Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức
chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng
tôi loan báo Tin Mừng cho họ.
(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các
Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Ba điều chứng tỏ một người Do-thái là người
đạo đức, đó là: 1) Chịu phép cắt bì; 2) Giữ luật ngày sa-bát, và 3) Giữ luật
thanh sạch. Khi những người Do-thái theo
Chúa Giêsu, họ cũng muốn những người khác, dù không phải là Do-thái, cũng phải
chịu phép cắt bì như họ. Chính vì thế mà
có sự tranh cãi lớn giữa những người Do-thái Kitô ở hải ngoại, khiến Phao-lô và
Ba-na-ba phải về họp với các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem. Có thể nói đây là cuộc họp công đồng đầu tiên
trong giáo hội. Sau khi họp bàn và cầu nguyện,
các tông đồ đã quyết định bằng văn thư, như tôi có thể thấy trong chương trước,
rằng những người không phải là Do-thái khi theo Chúa Giêsu, họ không cần phải
chịu phép cắt bì như những người Do-thái, đã chịu phép cắt bì từ bé. Tuy nhiên để “dĩ hòa vi quý”, Phao-lô đã muốn
Ti-mô-thê cũng phải được cắt bì. Đây là
một hành động rất đẹp và đầy tế nhị.
Phao-lô đã không cứng ngắc trong nguyên tắc như chỉ thị từ văn thư Giê-ru-sa-lem,
nhưng uyển chuyển để làm sao tránh được những xung khắc trong hành trình truyền
giáo, đặc biệt để lời Chúa được nhiều người đón nhận. Tôi có thể học được gì trong cách xử sự của
Phao-lô? Có khi nào tôi đã rất cứng ngắc
trong nguyên tắc, khiến “mất cả chì lẫn chài” trong việc truyền dạy đức tin cho
con cái, cho thế hệ trẻ và cho những người xung quanh? Tôi chỉ có thể uyển chuyển và làm tốt công
việc này khi tôi biết cầu nguyện. Tôi phải
rao truyền giáo lý như thế nào cho những thế hệ trẻ ngày hôm nay? Tôi có thể đóng góp gì cho công việc truyền
giáo trong gia đình ngày hôm nay, trước khi truyền giáo trong xứ đạo của
tôi? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong
giây phút này, và cũng có thể nói chuyện với Phao-lô nữa.
2. Một điểm thật đẹp nữa mà Phao-lô đã
làm trong hành trình truyền giáo đó là, phân định thần khí. Đâu là tiếng nói của Chúa và đâu là tiếng nói
của sự dữ. Điều này không dễ chút
nào. Một người thân ở bên cạnh, tôi nói
chuyện với họ hằng ngày, ấy vậy mà, tôi vẫn hiểu sai ý của họ, phương chi là
Chúa, Đấng vô hình. Bởi vậy, không bao
giờ có một phân định đúng nếu không cầu nguyện.
Cầu nguyện không chỉ để xin xỏ hết ơn này đến ơn khác, nhưng quan trọng nhất
của việc cầu nguyện là kết hiệp, nên một với Thiên Chúa, làm quen với những
cách Chúa tiếp cận hằng ngày với tôi. Tôi
có thể là một Kitô hữu trên giấy tờ, nhưng có thể con người tôi chưa Kitô hóa,
vì tôi thiếu cầu nguyện thâm sâu và thân tình với Chúa Giêsu. Việc rao truyền lời Chúa sẽ không bao giờ là
tốt và hiệu quả, nếu tôi chỉ đọc kinh, không cầu nguyện một cách thân tình với
Chúa Giêsu. Tôi đọc lại những dòng nhật
ký truyền giáo trên và ngồi bên Chúa Giêsu, nói chuyện với Ngài, kể cho Ngài
nghe những trăn trở và thao thức của tôi cho cánh đồng truyền giáo. Đâu là những khó khăn và thách đố mà tôi đang
gặp phải hiện nay? Đâu là những ước mơ
của tôi dành cho những người mà tôi muốn họ gặp được Chúa trong cuộc sống của
họ? Đâu là những ước mơ của Chúa Giêsu
đang dành cho họ? Tôi để ý Chúa Giêsu chỉ
dạy phải làm những gì, làm như thế nào, và tôi muốn lên đường với đầy niềm tin
ở Thánh Thần như Phao-lô.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment