Friday, May 5, 2023

Thứ Bảy IV Phục Sinh – Năm A –6-5-2023

Thu Bay IV PS

Công Vụ Tông Đồ 13:44-52

44Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. 45 Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông. 46 Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. 47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất." 48 Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. 49 Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy. 50 Nhưng người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. 51 Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. 52 Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể dừng ở ngay câu đầu tiên của trang nhật ký truyền giáo trong bài đọc hôm nay để suy niệm và cầu nguyện: Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.”  Chỉ một câu ngắn này có thể cho tôi cảm nghiệm được sự hồ hởi, khát khao và sẵn sàng của dân thành muốn đón nhận lời Chúa.  Con số lớn gần như cả thành tụ họp lại nghe lời Chúa đã khiến cho những lãnh đạo Do-thái và dân ngoại ghen tức.  Hình ảnh này có thể cũng giống như hình ảnh của các xứ đạo bên Việt Nam, khi mỗi ngày, sáng chiều, người người, nhà nhà nườm nượp kéo nhau đi lễ, làm cho nhiều người không phải là Công giáo cũng ngỡ ngàng: Tại sao người Công giáo đi lễ nhiều như vậy, và đi mỗi ngày?!  Tuy nhiên, đó là những hình ảnh các xứ đạo ở miền quê Việt Nam thôi, chứ ở các xứ đạo ở thành phố hoặc các xứ đạo ở bên Mỹ này, đặc biệt bên Châu Âu, có những nơi nhà thờ đã vắng đến lạnh tanh!  Tại sao vậy?  Tại cuộc sống bận rộn, hay cuộc sống đã có nhiều thứ khác lấp đầy đến nỗi, người ta chẳng còn tha thiết, chẳng cần Thiên Chúa nữa?  Hỏi như vậy cũng là tôi đang hỏi chính tôi.  Thiên Chúa quan trọng như thế nào và tôi yêu mến Ngài, tha thiết muốn gặp để được nghe lời của Ngài đến mức nào?  Tôi lấy giây phút này để trả lời trực tiếp với Chúa và để ý Ngài muốn tôi phải làm gì.

2.     Sách Công Vụ Tông Đồ có thể chia làm hai phần: Phần đầu tập trung vào những hoạt động truyền giáo của Phê-rô, và phần hai tập trung vào những hoạt động truyền giáo của Phao-lô.  Kể từ bài đọc hôm nay trong Chương 13 cho đến cuối Sách Công Vụ Tông Đồ, tôi sẽ chỉ gặp những câu chuyện về nhà truyền giáo lừng danh và giỏi nhất trong lịch sử Kitô giáo, đó là Thánh Phao-lô.  Ở phần cuối bài đọc hôm nay tôi đã được biết một chút về kinh nghiệm truyền giáo của Phao-lô và Ba-na-ba, khi các ngài bị những người Do-thái ghen tức, ngược đãi và trục xuất khỏi thành, khiến họ phải giũ bụi chân đi qua thành khác, nhưng lòng vẫn đầy hoan lạc và Thánh Thần.  Những câu chuyện Phao-lô bị ngược đãi, bắt bớ, đánh đập và trục xuất sẽ còn được kể lại rất nhiều ở phần hai của sách Công Vụ Tông Đồ.  Tuy nhiên, không một kinh nghiệm đau thương nào đã có thể làm cho Phao-lô chán nản, thất vọng, hay nhụt chí muốn bỏ cuộc.  Ông luôn luôn lạc quan, hy vọng và sẵn sàng lên đường rao giảng Tin Mừng ở mọi nơi, ngay cả trong tù và ngay cả sau khi ra khỏi tù.  Bị xua đuổi và bách hại ở thành này, ông qua thành khác và tiếp tục rao giảng ngay.  Điều gì đã khiến Phao-lô có nhiều nhiệt huyết, hăng say và dấn thân hết mình như vậy, nếu không phải là một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô?  Tôi cũng muốn hỏi chính tôi về tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu: mạnh mẽ hay lạnh nhạt, thân mật hay thờ ơ…?  Đời sống đức tin của tôi mạnh như thế nào, nồng nhiệt ra sao, có thúc đẩy tôi dấn thân cho xã hội, xứ đạo, cộng đoàn và gia đình đến hết mình?  Tôi nói với Chúa Giêsu về thái độ và lòng mến của tôi với Ngài và để ý xem Ngài sẽ nói với tôi về thái độ và lòng mến của Ngài dành cho tôi.  Tôi ao ước gì trong tương quan với Chúa Giêsu?  Tôi sẽ sống như thế nào để thể hiện tương quan mật thiết với Ngài?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment