Công Vụ Tông Đồ 1:1-11
1Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả
những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2cho
tới ngày Người được rước lên trời. Trước
ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh
Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các
ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người
đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một
hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không
được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa,
“điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5đó là: ông Gio-an thì
làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong
Thánh Thần.”
6Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải
bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” 7 Người
đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp
đặt, 8nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi
Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh
em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri
và cho đến tận cùng trái đất.” 9 Nói xong, Người được cất lên
ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn
thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn
lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên
cạnh 11và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn
trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các
ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên
trời.”
(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các
Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là phần mở đầu của
nhật ký truyền giáo của Giáo hội sơ khai, Công Vụ Tông Đồ. Phần mở đầu này có thể làm tôi thắc mắc, ở
câu: “trong quyển thứ nhất.” Quyển thứ nhất là quyển nào? Các nhà chú giải Kinh Thánh cho biết, quyển
thứ nhất ấy chính là Phúc âm Luca. Tác
giả Phúc âm Luca đã viết hai tập sách: Tập I, Phúc âm Luca, và Tập II, Công Vụ
Tông Đồ. Tập I nói về cuộc đời Chúa Giêsu
Cứu Thế, kết thúc bằng những câu chuyện Ngài phục sinh và hiện ra với nhiều
người, sau đó Ngài lên trời trước mắt các môn đệ. Dù lên trời, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện
với mọi người, như bài đọc hôm nay nói; Tập II nói về hành trình truyền giáo và
đời sống của Giáo hội sơ khai, mà câu cuối cùng của bài đọc hôm nay như là lời
giới thiệu cho những sinh hoạt của Giáo hội sơ khai.
2. Lời giới thiệu ấy có gì đặc biệt? Tôi đọc lại lời giới thiệu: “Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: ‘Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.’” Tôi để ý đến câu nói của hai người đàn ông mặc áo trắng nói với các môn đệ: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời?” Có thể nói, câu nói này có một sức mạnh lớn, thức tỉnh các môn đệ, các Kitô hữu ở mọi thời đại và kể cả tôi nữa. Sức mạnh thức tỉnh ấy là, các môn đệ dù tin vào Chúa Giêsu, dù chứng kiến Ngài lên trời, dù cho viễn tưởng ấy rất đẹp, nhưng họ không thể cứ đứng nhìn trời mãi, chân các ông vẫn còn chạm đất, các ông cần phải sống cuộc sống tại thế nữa, với bao nhiêu bổn phận và trách nhiệm. Nói một cách khác, lời thức tỉnh trên có ý nghĩa mời gọi các môn đệ sống đức tin phải thực tế, đừng cứ mơ tưởng trên mây, nói về Chúa ở trên mây, một cách trừu tượng và xa với thực tế. Tôi có bao giờ gặp những người cũng mơ mộng như các môn đệ xưa? Tối ngày, họ chỉ nói về Thiên Chúa ở trên mây và sự sống đời sau, nhưng lại không bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa đã nhập thể ở giữa cuộc đời này. Tôi có thuộc loại Kitô hữu mộng tưởng như vậy? Hoặc, nếu tôi không mộng tưởng, cũng nhỏ hẹp như chỉ thấy Chúa trong bốn bức tường của nhà thờ hoặc, trong thời gian hạn hẹp của những phút cầu nguyện trong ngày? Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh tôi, cần có thái độ sống đạo, chứ đừng chỉ lo giữ đạo. Sống đạo là tìm gặp gỡ Chúa trong những người thân của gia đình, trong công xưởng, hàng xóm, và ngoài những giờ kinh nguyện và Thánh lễ nữa. Tôi muốn nói gì và muốn xin Chúa giúp gì, để sau giờ cầu nguyện, mặc dù rất bận rộn, tôi vẫn nhận ra Chúa hiện diện trong mọi việc tôi làm, mọi lời tôi nói và mọi người tôi tiếp xúc.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment