12Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người toàn thân mắc
bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu
Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 13 Người
giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, bệnh phong
biến khỏi anh. 14 Rồi Người ra lệnh cho anh không được nói
với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy
dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 15 Tiếng đồn về Người ngày
càng lan rộng; dân chúng lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa
bệnh. 16 Nhưng Người lui vào những nơi hoang vắng mà cầu
nguyện.
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Phúc âm Luca được gọi là Phúc âm của Cầu nguyện, bởi vì trong Phúc âm ấy,
cầu nguyện luôn là điểm nổi bật, xuất hiện hầu như trong từng trang Phúc âm,
khi thì Chúa Giêsu cầu nguyện, lúc thì người khác cầu nguyện. Bài đọc hôm nay, tôi có thể thấy cả hai. Thứ nhất, lời cầu xin của người mắc bịnh
phong có thể hiểu như một lời cầu nguyện.
Tuy nhiên, người bịnh phong này có thể đã cầu nguyện rất khác với
tôi. Phải chăng, tôi vẫn cầu nguyện bằng
cách: xin Chúa làm cho tôi điều này, ban cho tôi ơn kia. Mỗi sáng tôi cầu nguyện, cứ như thể tôi là
cha là mẹ của Chúa, dặn dò Ngài đủ chuyện phải làm trong ngày cho tôi; hoặc, Chúa
như người ăn tớ ở của tôi, chia đủ thứ việc cho Ngài làm trong ngày! Anh bị bệnh phong này cầu nguyện rất lạ. Anh không xin ơn này ơn kia, nhưng hỏi ý kiến
Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có
thể làm cho tôi được sạch.” Có khi
nào tôi cầu nguyện bằng cách, hỏi ý kiến Chúa chưa? Chẳng hạn: “Thưa Chúa, Chúa nghĩ sao về
chuyện bất hòa giữa con với người thân của con hôm qua?” Hoặc, “Thưa Chúa, Chúa muốn con phải làm gì
với những chuyện đang xảy ra trong cộng đoàn của con?” Tôi đang có chuyện gì cần hỏi Chúa lúc này
không? Tôi muốn hỏi Chúa, để ý Ngài trả
lời tôi ra sao và tôi đáp lại như thế nào.
2. Thứ hai, sau một ngày bận rộn, Chúa Giêsu lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Cử chỉ này của Chúa Giêsu nói gì với tôi? Tôi có giờ với Chúa mỗi ngày không? Việc cầu nguyện của tôi có phải là một nếp sống, hay chỉ là chuyện điền vào chỗ trống, hoặc là việc thứ yếu được chen vào với những việc khác? Giây phút thanh vắng trong ngày và trong nhà của tôi là khi nào và chỗ nào? Tôi muốn dành một nơi thanh vắng đặc biệt trong nhà và trong ngày sống của tôi để vào đó gặp Chúa mỗi ngày. Tôi muốn cùng Chúa bàn chuyện xếp lịch cầu nguyện cho mọi ngày sống của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment