Monday, January 4, 2021

Gương Thành Công - CHARLES SCHULZ ĐÃ VƯỢT QUA NHỮNG LẦN BỊ CHỐI TỪ

Guong Thanh Cong Schulz

Charles Schulz (26 tháng 11, 1922 – 12 tháng 2, 2000), sinh tại Minneapolis, lớn lên tại St. Paul, Minnesota, và qua đời tại Santa Rosa, California, Hoa Kỳ.  Ông là người con duy nhất của một thợ cắt tóc Carl Schulz, người Đức, và mẹ là Dena, người Na-uy.  Ngay từ bé, chú của ông đã đặt biệt danh cho ông là “Sparky” theo tên con ngựa Spark Plug trong truyện tranh hý họa Barney Google.  Có lần Schulz ước mơ và đã nói với cha của ông rằng, ông muốn trở thành một họa sĩ hý họa và sẽ kiếm $1000 đô-la mỗi ngày. 

Tuy nhiên, Schulz gặp rất nhiều khó khăn nơi học đường.  Ông là một học sinh nhút nhát, vụng về, kém cỏi và thường bị bạn bè xa tránh.  Việc học hành thật vất vả đối với ông.  Ông bị ở lại lớp năm Lớp Tám, và bị trượt một số môn thời trung học.  Sau khi tốt nghiệp trung học, 1940, Schulz theo học hý họa tại một trường trung cấp nghệ thuật.  

Năm 1943, Schulz gia nhập quân ngũ, đến năm 1945 thì được giải ngũ.  Ông tâm sự: “Quân đội đã dạy tôi tất cả những gì tôi cần biết về sự cô đơn.”  Sau chiến tranh, ông làm giáo viên tại một trường nghệ thuật, và sau đó xin làm họa sĩ hý họa tự do cho Nhà Xuất Bản Pioneer tại St. Paul và cho tờ báo Saturday Evening Post (1948-49).

Schulz quyết định kể đời mình qua tranh hý họa và được United Feature Syndicate xuất bản năm 1950, nhưng buộc ông phải đổi tên truyện tranh của ông từ “Li’l Folks” thành “Peanuts”.  Ông không thích, nhưng đã rất vui vì truyện tranh của mình cuối cùng đã được xuất bản. 

Qua Peanuts, Schulz đã giới thiệu một nhóm các nhân vật ba, bốn và năm tuổi dựa trên kinh nghiệm bán tự truyện.  Schulz có khả năng xác định những lo lắng và nghi ngờ bản thân mà mọi người đều có.  Nhân vật chính là Charlie Brown, người đại diện cho “mọi người”, một đứa trẻ nhạy cảm nhưng nhạt nhẽo, chẳng có gì đặc sắc.  Schulz đã truyền tải sự cô đơn mà ông đã trải qua từ những ngày trong quân ngũ và những bực dọc trong đời thường vào Charlie Brown, người thường bị đem ra làm trò cười.  Một trong những chủ đề ban đầu của Schulz nảy sinh từ sự tàn ác xảy đến với trẻ em.  Nhân vật Snoopy, một chú chó săn bực bội với những mơ ước vinh quang, thường được miêu tả là khôn ngoan hơn bọn trẻ.  Các nhân vật khác bao gồm Sally, em gái của Charlie Brown; Lucy bạo ngược và hay nhặng xị với những chuyện vặt vãnh; em trai của cô, Linus, người đi đâu cũng mang theo cái chăn như là sự an toàn cho bản thân; và Schroeder, người luôn ám ảnh chơi nhạc Beethoven trên cây đàn piano đồ chơi.

Không ngờ, cậu bé một thời mơ ước kiếm được 1.000 đô-la mỗi tuần, năm 1996, Schulz đã sở hữu một khối tài sản trị giá 33 triệu đô-la từ việc vẽ tranh của ông.  Tuy nhiên, tiền bạc chỉ là thước đo ít quan trọng nhất đối với sự thành công của Schulz.  Điều quan trọng hơn đó là, sự sáng tạo của Schulz đã hấp dẫn một khối lượng khổng lồ các độc giả hâm mộ trên thế giới.  Peanuts không chỉ là một bộ truyện tranh hý họa - nó là một phần của văn hóa hiện đại và là một trong những bộ truyện tranh hý họa thành công nhất của Mỹ, giữa thế kỷ 20.  Nó đã xuất hiện trong gần năm mươi năm không bị gián đoạn, trên 2.600 tờ báo ở bảy mươi lăm quốc gia, tiếp cận khoảng 355 triệu người, xuất hiện cả trong Viện Bảo Tàng Louvre, trở nên nguồn sống cho một cuốn sách thần học có tên "Tin Mừng theo Peanuts" và truyền cảm hứng cho NASA đặt tên cho cuộc thăm dò không gian của phi thuyền Apollo 10 là Snoopy.  Peanuts hiện nay đã được chuyển thể lên truyền hình và sân khấu, và Schulz đã viết kịch bản cho hai bộ phim hoạt hình dài tập.  Ông là đồng tác giả của Charlie Brown, Snoopy and Me (1980).  Phim hoạt hình 3-D The Peanuts Movie, dựa trên truyện tranh của ông, được phát hành vào năm 2015.

Cuộc đời và sự nghiệp của Schulz đã không xảy ra một cách êm xuôi và dễ dàng.  Ông đã gặp phải rất nhiều lần bị chối từ, từ tình cảm đến nghệ thuật.  Trước hết về mặt tình cảm, sau khi giải ngũ, ông đã hẹn hò với một người bạn gái, nhưng rồi đã bị cô ấy từ chối không muốn kết hôn mà chỉ muốn làm bạn.  Niềm đam mê của Schulz là vẽ hý họa, nên ông đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để vẽ.  Khi còn ở trung học, ông đã tình nguyện vẽ tranh cho kỷ yếu của trường, nhưng không ai muốn nhận tranh của ông.  Sau này, khi đã trưởng thành ông tiếp tục mộng vẽ tranh và cũng đã gởi đến các nhà in và hãng phim, kể cả Disney, nhưng tất cả đều từ chối!

Tất cả mọi người đều phải đối mặt với sự chán nản và bị từ chối trong cuộc sống, khi này khi khác, nhưng mọi người đều có quyền lựa chọn cách xử lý những lúc bị chối từ ấy.  Bạn và tôi đều không thể tránh khỏi sẽ có những lúc bị chối từ.  Bạn càng sớm nhận ra rằng, bị từ chối là một phần của cuộc sống, bạn sẽ càng cảm thấy dễ chịu và vượt qua dễ hơn.  Cách bạn đối phó với những lần bị chối từ sẽ khiến bạn trở nên khác biệt.  Charles Schulz đã vượt qua và vượt lên trên những lần bị chối từ, một cách thành công, chắc chắn bạn và tôi cũng sẽ làm được! 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment