Mác-cô 4:26-34
26Khi
ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng
tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm
hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách
nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết
quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa
nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì
đã đến mùa.”
30 Rồi
Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước
Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các
hạt giống trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc
lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ
dưới bóng.”
33 Người
dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể
nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ
ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với
nhau, thì Người giải nghĩa hết.
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản
dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay bao gồm hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Thứ nhất, Nước Thiên Chúa được ví như hạt
giống của nhà nông được gieo trong ruộng.
Ngày hay đêm, hạt giống cứ âm thầm nảy mầm, thành cây, trổ bông và sinh
trĩu hạt. Như vậy, tôi có thể thấy Thiên
Chúa rất lạc quan và đầy hy vọng, một khi hạt đã được gieo, chắc chắn sẽ nảy
mầm và sinh hoa kết hạt. Nhà nông không
phải là người làm cho hạt nảy mầm, chính Thiên Chúa đã đặt nơi hạt giống và nơi
lòng đất khả năng làm cho hạt trổ sinh.
Tôi có thể dùng dụ ngôn này để suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm
nay. Dẫu hạt nảy mầm và trổ sinh hoa
quả, không phải là việc làm của tôi, một nhà nông, nhưng Chúa vẫn cần đến tôi cho
công việc tối cần thiết ban đầu, đó là: gieo hạt. Tôi có thể xem lại bao lâu nay tôi đã gieo
hạt Nước Thiên Chúa ở những nơi đâu, và tôi có thực sự gieo hạt Nước Thiên Chúa
hay thứ hạt nào? Tôi có thể cùng Thiên
Chúa chiêm ngắm những hạt giống Nước Thiên Chúa đang trổ sinh hoa trái như thế
nào. Dụ ngôn như cho thấy Thiên Chúa rất
hy vọng và lạc quan, điều này như Ngài muốn thúc đẩy tôi phải lên đường, phải
gieo giống, không được trì hoãn, không được bi quan. Tôi có lạc quan khi gieo chăng, bởi Chúa sẽ
chịu trách nhiệm làm cho hạt trổ sinh, không phải tôi. Tôi nói sao với Chúa về công việc này?
2. Thứ hai, dụ ngôn Nước Thiên Chúa ban đầu khi mới được gieo chỉ nhỏ như hạt
cải, một loại hạt nhỏ nhất trong mọi thứ hạt, vậy mà khi nó trổ sinh, lại trở
thành cây rau to lớn, đến nỗi chim trời đến nương náu trên cành nó. Một lần nữa, tôi lại thấy Thiên Chúa của tôi
là một Thiên Chúa rất lạc quan. Điều này
nói gì về những việc làm trong đời sống hằng ngày của tôi? Có khi nào tôi cảm thấy những việc làm rất
tầm thường, rất nhỏ bé, rất âm thầm của tôi lại có thể sinh ơn ích rất lớn cho
nhiều người, lại có thể góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa không? Có khi nào tôi nghĩ dạy con học bài, tắm rửa
cho cha mẹ già, chào hỏi những người hàng xóm, giúp đỡ những đồng nghiệp, ân
cần thăm hỏi một người đang gặp khó khăn là tôi đang xây dựng Nước Thiên Chúa
không? Tôi muốn nói gì với Chúa trong
lúc này? Tôi để ý xem Chúa nói gì với
tôi về những việc tốt lành thường ngày của tôi?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment