Monday, January 18, 2021

Gương Thành Công - Đại Tá Harland Sanders - VỊ SÁNG LẬP CHUỖI NHÀ HÀNG KFC - ĐÃ RẤT NGHÈO VÀ ĐÃ TỪNG PHẢI LẤY XE LÀM NHÀ

Kien Tri Cong Hien Tham Vong va Cham Chi

Có bao giờ bạn đã bị chối từ hay thất vọng hết lần này đến lần khác chưa?  Harland Sanders, người sáng lập chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, Kentucky Fried Chicken (KFC), đã từng bị như vậy.  Câu chuyện của Sanders là một ví dụ cho thấy sự kiên trì, cống hiến và tham vọng cùng với sự chăm chỉ có thể tạo nên thành công, bất kể bạn ở tuổi nào.

Sanders sinh năm 1890 tại Henryville, IN, Hoa Kỳ.  Năm 6 tuổi, Sanders mồ côi cha.  Năm lớp bảy, cuộc đời đã chuyển ông qua một khúc rẽ đầy cay đắng khiến ông phải bỏ học, bỏ nhà để đi làm cho một nông trại.

Năm 16 tuổi, Sanders đã khai man tuổi để được nhập ngũ.  Một năm sau khi giải ngũ, ông xin được một việc làm tại cục tầu hỏa.  Thế rồi, ông đã bị đuổi việc vì đánh lộn trong sở.  Trong khi làm việc tại cục tầu hỏa, ông đã cố gắng học luật, nhưng mộng học luật đã đành phải dở dang khi ông tham gia vào một cuộc ẩu đả khác.  Sanders đã buộc phải chuyển về ở với mẹ và kiếm sống bằng công việc bán bảo hiểm nhân thọ.  Nhưng chuyện gì xảy ra nữa cho ông, bạn có biết không?  Sanders đã bị sa thải vì bất phục tùng. 

Sanders không phải là loại người dễ bỏ cuộc.  Năm 1920, ông thành lập công ty vận tải phà.  Sau đó, nhờ số tiền kiếm được từ công ty vận tải phà, ông đã thành lập công ty sản xuất bóng đèn.  Tuy nhiên, công ty đã chẳng đứng vững được bao lâu vì một công ty khác làm được những loại bóng đèn tốt hơn.  Thật là tội nghiệp, thất bại luôn theo bám Sanders không cho ông một chút nghỉ ngơi.

Mãi đến năm 40 tuổi, Sanders mới bắt đầu bán các món gà trong một trạm dịch vụ.  Khi bắt đầu quảng cáo món ăn của mình, ông cãi lộn với một đối thủ cạnh tranh sản phẩm, dẫn đến một cuộc đấu súng chết người.  Bốn năm sau, ông mua một nhà trọ nhưng rồi đã bị cháy thành than cùng với nhà hàng của ông.  Tuy nhiên, người đàn ông quyết tâm này đã xây lại nhà trọ đó và tiếp tục điều hành mãi cho đến khi Thế chiến II mới buộc ông phải đóng cửa. 

Đến tuổi nghỉ hưu 65, Sanders hết tiền.  Trong khi hầu hết mọi người mong tìm sự nhàn rỗi của tuổi hưu, với vốn liếng ít ỏi chỉ $105 từ tiền an sinh xã hội, Sanders đã lái xe qua các tiểu bang và ngủ đêm trên xe, để đi chào hết nhà hàng này đến nhà hàng khác, mong ai đó sẽ hợp tác với ông để quảng bá “bí quyết gà chiên” của mình.  Sau khi bị 1.009 nhà hàng từ chối, ông đã được một nhà hàng nhận hợp tác phổ biến món gà chiên đó.  Nhờ vậy mà, “Kentucky Fried Chicken” đã có dịp tung bay trên toàn thế giới hiện nay. 

Năm 1964, Sanders đã bán công ty với giá 2 triệu đô-la (khoảng 15,3 triệu đô-la hiện nay).  Dầu vậy, Sanders vẫn là trọng tâm của KFC và hình ảnh của ông vẫn xuất hiện trên các thương hiệu của KFC ngày nay.  Hình ảnh một ông già có bộ râu dê, khoác áo nấu ăn mầu trắng và thắt lơ ở cổ tiếp tục là biểu tượng cho món gà chiên đồng quê ngon trên toàn thế giới.

Sanders qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 90.  Vào thời điểm đó, đã có khoảng 6.000 địa điểm KFC tại 48 quốc gia.  Đến năm 2013, KFC đã có mặt tại 118 quốc gia với 18.000 địa điểm! 

Vì những nỗ lực chế biến món gà chiên của ông, năm 1935, Thống đốc Bang Kentucky, Ruby Laffon đã phong cho Harland Sanders danh hiệu Đại tá để ghi nhận những đóng góp của ông cho nền ẩm thực của tiểu bang.  Kể từ đó, Harland Sanders thường được biết đến với cái tên: Colonel Harland Sanders, tức là Đại tá Harland Sanders. 

Nếu bạn bị choáng ngợp bởi những sự chối từ hoặc thất bại, hãy nhớ câu chuyện của Đại tá Harland Sanders.  Bị sa thải hết công việc này đến công việc khác, mộng hành nghề luật sư bị dang dở, cùng với hoàn cảnh đại suy thoái kinh tế Hoa Kỳ lúc bấy giờ, rồi hỏa hoạn và Chiến trang Thế giới II, nhưng, Sanders, ở tuổi 65, vẫn tạo ra được một trong những chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất trên thế giới hiện nay, đã có thể xây dựng một đế chế toàn cầu về món gà chiên của mình.  Ông đã không để bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai đánh bại ông.  Quả thật, không bao giờ là quá trễ để xây dựng và thực hiện ước mơ! 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment