Mác-cô 3:1-6
1Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội
đường. Ở đó có một người bị bại
tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày
sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại
tay: “Anh đứng dậy, ra giữa đây!” 4 Rồi Người nói với họ:
“Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết
người?” Nhưng họ làm thinh. 5 Đức
Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình
thường. 6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với
phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản
dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm qua tôi
đã thấy những du kích Pha-ri-sêu tấn công các môn đệ của Chúa Giêsu ở ngoài đồng,
hôm nay họ tấn công trực tiếp Chúa Giêsu ở trong hội đường. Chỗ nào cũng có họ, và họ luôn có đủ mọi lý
do để tấn công người khác, dựa trên cách đọc và hiểu luật một cách cứng ngắc,
thiếu tình người. Bởi thế giờ cầu nguyện
hôm nay, tôi tiếp tục suy niệm về những sự chỉ trích và dèm pha mà tôi đã suy
niệm hôm qua để thấy, tôi đã thường đóng vai du kích Pha-ri-sêu tân thời tại
giáo xứ và gia đình của tôi hiện nay như thế nào. Tôi nhớ lại những lần đã xét đoán và chỉ
trích những người khác trong nhà thờ và gia đình tôi vì cách ăn mặc, tóc tai,
trang sức, vì cách rước lễ bằng tay hay bằng lưỡi, vì cách thưa đáp trong Thánh
lễ, vì những cách đi, đứng, ngồi, quỳ của họ…
Tệ hơn nữa, tôi bới móc những chuyện đời tư trong quá khứ hay hiện tại của
họ để rồi, tôi nghiễm nhiên trở thành Ông Trời con đưa ra đủ những phán quyết
như: người này được phép lên rước lễ, còn người người kia không được lên rước lễ
chỉ vì họ thuộc đảng phái chính trị này hay chính trị kia, chỉ vì họ đang sống
chung với người này hay với người kia… Trong
những xét đoán và chỉ trích của tôi ấy, có một chút tình thương và lòng mến nào
không? Chúa nghĩ như thế nào về thái độ
và lối sống đức tin của tôi bao lâu nay?
Tôi nói chuyện với Chúa trong lúc này và để ý Ngài sẽ dạy tôi phải làm
gì.
2. Việc làm của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay là chữa một người bại tay trong ngày Sa-bát. Tuy nhiên nếu đọc kỹ câu chuyện, tôi sẽ thấy không chỉ có một người bại tay, mà cả những người Pha-ri-sêu cũng bị “bại liệt”. Dù bại tay hay bại chỗ nào trên cơ thể cũng đều là bại. Nhưng có hai loại bại liệt trong câu chuyện hôm nay: Người bại tay, biết rõ mình bị bại và muốn được chữa lành. Trong khi đó những người Pha-ri-sêu cũng bị “bại liệt” nhưng không biết hoặc không muốn nhận mình bị bệnh, nên cũng chẳng mong Chúa Giêsu chữa cho lành. Trước hết, tôi muốn đặt tôi vào hoàn cảnh người bại tay, để thấy tình thương của Chúa Giêsu lớn như thế nào. Những người bại liệt khó hoặc không thể làm được những gì họ muốn. Họ làm cái gì cũng đổ bể, hoặc trái với ý muốn tốt lành của họ. Chúa Giêsu đọc được những khó khăn và khát vọng của người bại tay, nên đã sẵn sàng chữa cho anh ta, dù có phải phạm luật. Sau nữa, tôi cũng đặt tôi vào hoàn cảnh của những người Pha-ri-sêu để thấy được tôi bệnh đến mức nào. Phải chăng những người Pha-ri-sêu đã rất bệnh, khiến họ mở miệng ra là chỉ trích, xét đoán, thiếu cảm thông, thiếu tình thương, gây đổ vỡ và bất hòa? Tôi có rất bệnh giống những người Pha-ri-sêu không mỗi khi tôi chửi bới, chỉ trích và gièm pha ai, tôi đã nói rất lưu loát và điêu luyện, nhưng mỗi khi có ai cần hoặc rất xứng đáng nhận những lời cám ơn, yêu thương, cảm thông của tôi, tôi lại ấp úng, ngượng đến méo miệng? Giây phút này, tôi muốn xem cách nói nào mà tôi thường nói rất điêu luyện, nói rành như tiếng mẹ đẻ, hoặc nói rất ngại ngùng như thể đó là những tiếng nước ngoài, chẳng hạn như: Con yêu ba/mẹ; ba/mẹ yêu con; ba/mẹ biết ơn con; anh/em yêu và cám ơn em/anh, hoặc trách móc dạy bảo cha mẹ: Ông/bà phải thế này; ông/bà không được thế kia, hay mắng chửi con cái: Mày là đồ khốn nạn; mày là đồ mất dạy; mày là đồ chó; mày là đồ ngu; mày là đồ đĩ…? Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về những ngôn ngữ mà tôi vẫn dùng với những người chung quanh? Tôi xin Ngài chữa cho tôi khỏi chứng bại miệng và bại tim, để từ này tôi có thể nói những tiếng yêu thương, biết ơn và cảm thông một cách lưu loát như tiếng mẹ đẻ chăng?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment