Mác-cô 2:23-28
23Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng
qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ
bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức
Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia?
Điều ấy đâu được phép!” 25 Người đáp: “Các ông chưa
bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít
đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26 Dưới
thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả
thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai
được phép ăn ngoại trừ tư tế.” 27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát
được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi
đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản
dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là một câu chuyện điển hình mà tôi sẽ còn gặp ở nhiều chỗ
khác trong các phúc âm, đó là thói dèm pha và chỉ trích của những người Pha-ri-sêu
đối với Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài.
Tôi có thể cảm thấy lạ, sao Pha-ri-sêu ở đâu mà lắm thế! Chúa Giêsu làm bất cứ điều gì và bất cứ ở đâu
với nhóm nhỏ cũng như nhóm lớn, đâu đâu cũng thấy người Pha-ri-sêu xuất hiện,
chỉ trích và bắt bẻ Ngài đủ thứ. Họ có
mặt ở khắp nơi. Tuy nhiên nếu suy nghĩ kỹ
một chút, tôi có thể thấy những người Pha-ri-sêu không những đã từng hành quân
trên từng trang Kinh Thánh, nhưng còn khai những giao thông hào để núp, tấn công
kiểu du kích trong đời sống thường ngày của tôi hôm nay nữa, và đây chính là
điểm đáng cho tôi suy nghĩ trong giờ cầu nguyện này. Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn đặt hai
câu hỏi để nhận diện những tên du kích Pha-ri-sêu ngày hôm nay: Thứ nhất, những
tên du kích Pha-ri-sêu này là ai? Thứ
hai, chúng thường xuất hiện ở đâu? Những
tên du kích này chính là những con người như tôi, cũng đi lễ nhà thờ rất đều
đặn như tôi, cũng rất hăng say thiện nguyện và tham gia các đoàn thể như tôi. Nói chung, những tên du kích Pha-ri-sêu này
cũng chính là tôi, khi, dù nói ra hay không nói ra, tôi đã thường chỉ trích
người này, chê bai người kia, “tám chuyện" cha khác. Những bụi rậm tôi thường phục kích thường là ngay
trong các Thánh lễ, giữa những lần tôi đọc kinh lần hạt, tại những nơi tôi đang làm thiện
nguyện, ở những lúc gia đình và bạn bè tôi xum họp, hoặc những giờ tôi lượn
trên Facebook/Tweeter, rằng: Cha này
giảng dở, đoàn thể kia thiếu trách nhiệm, ca đoàn nọ hát đâm hơi, giáo
xứ kia sao mà hẹp hòi…, chỉ có một mình tôi luôn luôn đúng và hay nhất! Nhờ những lần phục kích nhiệt tình ấy mà tôi đã tự phong hàm cho tôi trở thành Đại Tướng Hoàn Hảo/ Đại Tướng Miễn Nhiễm Tội! Tôi nghĩ
gì và muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này về con người của tôi, về lối
sống và cách thực hành đức tin của tôi?
Tôi để ý xem Ngài phản ứng ra sao về đời sống đức tin và đạo đức của tôi.
2. Những người Pha-ri-sêu than trách Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài vì họ
đã làm điều không nên làm trong ngày sa-bát, và cách Chúa Giêsu đối đáp với
những người Pha-ri-sêu thật đáng cho tôi suy nghĩ. Chúa Giêsu như nói với những người Pha-ri-sêu
rằng: họ cần phải giữ luật Chúa bằng một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Có nghĩa là: hãy yêu và giữ luật Chúa bằng cả
con tim nồng cháy, nhưng đừng quên phải có một cái đầu điềm tĩnh, biết dùng lý trí,
biết uyển chuyển, biết biện phân, đâu là ưu tiên hàng đầu và đâu là những điều
thứ yếu. Tôi có thể đọc lại câu nói then
chốt của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay: “Ngày
sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát.”
Có khi nào tôi đã giữ luật một cách máy
móc, thiếu uyển chuyển, thiếu biện phân?
Tôi lấy giây phút này để có một cái nhìn thật sáng suốt về những gì tôi
dạy người khác, những gì tôi sống sao cho uyển chuyển và đầy biện phân hầu giúp
mọi người và tôi được tự do, hòa hợp, yêu thương và luôn có Chúa.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment