Saturday, January 16, 2021

Chúa Nhật Tuần II Thường Niên – Năm B – 17-1-2021

CN II TN 

1 Sa-mu-en 3:3b-10, 19

3bKhi ấy, Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 Đức Chúa gọi Sa-mu-en.  Cậu thưa: “Dạ, con đây!”, 5 rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.”  Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu.  Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. 6 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa.  Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.”  Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ.  Con về ngủ đi.” 7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. 8 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba.  Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.”  Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. 9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.’”  Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.

10 Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en!  Sa-mu-en!”  Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”… 19 Sa-mu-en lớn lên.  Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.

(Trích Sách Sa-mu-en I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện đẹp về phân định và lắng nghe tiếng Chúa của cậu bé Sa-mu-en.  Chúa gọi cậu bé này bằng chính tên riêng của cậu ta, “Sa-mu-en”, đến ba lần, nhưng cậu đã không nhận ra đó là tiếng Chúa.  Tên gọi của một ai chính là ngôn ngữ gần gũi, thân mật, sâu kín, riêng tư và thân thương nhất của người ấy.  Tên riêng của tôi là gì?  Có lẽ không chỉ là tên gọi trên giấy khai sinh, như: Lan, Dung, Nhân, Đức, Hạnh, Phúc, Lộc…, nhưng còn có những tên gọi khác cũng rất thân thương, thân mật, sâu kín và riêng tư như: những mơ ước, thao thức, trăn trở, tổn thương, đau khổ, bực tức, hận thù, ích kỷ, thành kiến, hạnh phúc, tài năng, thất bại, thành đạt...  Tôi có kinh nghiệm nghe thấy Chúa gọi tôi qua những loại tên này bao giờ chưa?  Bài đọc nói, Chúa đến và đứng bên cậu bé đang ngủ mà gọi cậu.  Có thể Chúa đang đứng bên tôi và gọi tôi bằng những tên gọi rất riêng tư và thầm kín của tôi mà tôi chẳng hay?  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn thật tỉnh táo để có thể nghe thật rõ Chúa đang gọi tôi bằng tên gọi nào.

2.      Chúa gọi Sa-mu-en đến ba lần, cậu nghe thấy rõ lắm nhưng lại tưởng là người khác gọi, chứ không phải là Chúa.  Tuy nhiên, cái đẹp trong Sa-mu-en đó là không làm ngơ trước những tiếng gọi ấy, cậu đi hỏi người có kinh nghiệm hơn.  Khi được chỉ bảo, cậu đã sẵn sàng đáp trả tiếng gọi ấy một cách mau mắn và quảng đại: “Xin Chúa phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.  Có khi nào tôi đã đi bàn thảo với những bậc thông thái và đạo đức về những mơ ước, thao thức, trăn trở, tổn thương, đau khổ, bực tức, hận thù, ích kỷ, thành kiến, hạnh phúc, tài năng, thất bại, thành đạt… của tôi để, xem Chúa gọi tôi và nói gì với tôi qua những tiếng gọi này?  Tôi đáp trả ra sao mỗi khi Chúa gọi?  Tôi có thể trả lời như Sa-mu-en không?  Bài đọc kết thúc bằng một câu thật đẹp: Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.”  Tôi để ý Chúa đã và đang dùng tôi như thế nào cho ước muốn của Ngài, và tôi muốn làm gì để không làm Chúa thất vọng?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Sao Chúa Lại Gọi Con,” của Nguyễn Duy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=5EQWBWh5OtA

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment