Mát-thêu 2:1-12
1Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì,
có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và
hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện
bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe
tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà
vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho
biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời: “Tại
Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 Phần
ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của
Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua
Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã
xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng:
“Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại
cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua
nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ
đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng
lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ
vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc
dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở
lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng
Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay là Lễ Hiển Linh, nhưng dân gian hay gọi Lễ này là Lễ Ba Vua. Bởi trong cách trang trí hang đá ngày hôm nay
tôi có thể dễ dàng thấy sự xuất hiện của ba người ăn mặc sang trọng như những
nhà vua, không nghèo hèn như các mục đồng.
Nhưng tại sao lại là ba vua? Bài
đọc hôm nay chỉ nói có mấy nhà chiêm tinh,
chứ đâu nói đến số 3 và cũng chẳng
gọi các vị khách lạ này là vua. Cách nói ba vua là do suy đoán từ ba món quà
mà các vị khách này mang đến: vàng, nhũ hương và mộc dược. Dù chỉ có 3 món quà, chắc chắn trong đoàn của
họ đã có nhiều người khác nữa như: vợ, con và người hầu. Các vị khách quý này được gọi là những nhà
chiêm tinh (tiếng Việt), magi (tiếng
Anh) là do cách gọi từ tiếng Hy-lạp “Magos”. “Magos”
bắt nguồn từ “Magupati”, tiếng Ba Tư cổ,
một danh hiệu để gọi các tư tế của một tôn giáo Ba Tư cổ đại, Zoroastrianism. Các tư tế thời xưa ấy thường là những nhà trí
thức và có địa vị cao trong xã hội. Mà rí
thức thời bấy giờ tập trung vào hai môn học chính, được nghiên cứu song hành
với nhau, đó là: thiên văn và chiêm tinh.
Nhờ vậy, những nhà chiêm tinh này đã nhận biết ngôi sao lạ. Truyền thuyết không chỉ suy đoán ba vua,
nhưng còn có cả tên cho họ nữa, đó là: Gaspar, vị vua thứ nhất có nước da nâu
bánh mật, mặc áo choàng xanh, đội vương niệm vàng có đính những viên ngọc xanh
trên đó và mang theo nhũ hương làm quà cho Chúa Giêsu. Vị vua thứ hai là Melchior, da trắng, mặc áo
choàng vàng và mang theo vàng để tặng cho Chúa Giêsu. Cuối cùng, vị vua thứ ba là Balthazar, da đen,
có áo choàng tím và mang theo quà là mộc dược.
Dù Kinh Thánh không nói, nhưng cách suy đoán và mô tả về các nhà chiêm
tinh này cũng rất đáng cho tôi suy nghĩ trong giờ cầu nguyện này. Bởi chúng không xa với ý nghĩa chủ đích của
Tin Mừng Mát-thêu, và cũng không xa với tên gọi của ngày lễ: Lễ Hiển Linh. Tức là Chúa tỏ mình cho muôn dân: da trắng,
da đen, da vàng. Vậy, khi chiêm ngắm
hang đá, hoặc suy niệm bài đọc hôm nay, tôi có thấy tôi trong đó không? Chúa tỏ mình cho muôn dân, chứ không chỉ cho
một sắc dân nào đó. Chúa tỏ mình cho
muôn người, trong đó có tôi, chứ không chỉ cho một số người nào đó. Tôi cảm thấy thế nào về món quà, niềm vinh dự, và tình yêu Thiên Chúa đã dành cho tôi, và giáo hội không ngừng loan báo
cho thế giới suốt hai ngàn năm qua? Lễ vật tôi sẽ dâng cho Chúa Giêsu là gì trong lúc này? Tôi
nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?
2. Mát-thêu kết thúc câu chuyện các nhà chiêm
tinh sau khi đã gặp được Chúa Giêsu bằng một câu rất đáng cho tôi suy niệm
trong giờ cầu nguyện này: “Sau đó, họ
[các nhà chiêm tinh] được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã
đi lối khác mà về xứ mình.” Một
điểm luôn được lập đi lập trong các câu chuyện Kinh Thánh, đó là: một khi đã
gặp được Chúa, người ta không còn đi lối cũ nữa. Tôi đã gặp được Chúa bao lâu rồi, và đã đi
lối khác chưa? Lối đi bao lâu nay của
tôi đang là lối cũ hay lối mới? Tôi muốn
nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? Tôi
kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hội Nhạc Thiên Quốc,” của Thánh An-phong, lời Việt của Hoàng Diệp,
qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=xUwGVHvA5dg
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment