Saturday, January 30, 2021

Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên – Năm B – 31-1-2021

CN IV TN

Mác-cô 1:21-28

21Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. 23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì?  Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.  Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là câu chuyện, lần đầu tiên Chúa Giêsu về quê hương của Ngài, rao giảng và làm phép lạ tại đó.  Dân chúng sửng sốt vì những lời Chúa Giêsu giảng, rất mới lạ và đầy uy quyền, không giống như các kinh sư đã giảng.  Đây là một chi tiết đáng chú ý trong bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu bắt đầu hành trình rao giảng từ quê hương của Ngài, trước nhất.  Điều này cho tôi thấy, việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cần phải bắt đầu từ chỗ tôi quen thuộc nhất, gần gũi nhất.  Điều này không có ý thiên vị, như là ưu đãi quê nhà của tôi hơn những nơi khác, nhưng mà dễ dàng cho tôi nhất trong những bước đầu của sứ vụ, nhưng quan trọng hơn đó là cần phải cảm hóa những nơi tôi quen thuộc trước nhất.  Bởi thế công việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa phải bắt đầu, trước hết, trong gia đình của tôi, những người thân quen hàng xóm của tôi.  Bởi lẽ, tôi cần cảm hóa những người thân cận của tôi trước khi cảm hóa những người xa lạ.  Điều này cũng gần với một câu nói của Khổng Tử: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.  Tôi cần phải thay đổi tôi trước, rồi đến những người thân cận và rồi toàn dân thiên hạ.  Tôi đã làm điều này chưa?  Tôi đã thăng tiến bản thân và sống gương mẫu như thế nào trước mặt con cái và mọi người trong nhà, để biến gia đình tôi, xứ đạo tôi trở thành những mẫu mực của đức tin Kito giáo đến toàn thế giới?

2.   Điểm đáng chú ý thứ hai nữa trong bài đọc hôm nay, đó là: Ma quỷ biết rõ danh tánh của Chúa Giêsu.  Ở những nơi khác, chúng còn biết và trích dẫn Kinh Thánh nữa (Mt 4:1-11).  Như vậy, không phải bất cứ ai trích dẫn Kinh Thánh, nói rất rành về Thiên Chúa mà đã chắc người đó thuộc về Thiên Chúa, hay đang làm việc cho Chúa.  Đây là kinh nghiệm mà tôi có thể thường thấy xảy ra trong tôi.  Có phải chăng, hàng tuần tôi vẫn đi lễ và rước lễ; mỗi ngày tôi vẫn đọc kinh vang cả phố phường, vậy mà tôi vẫn chanh chua, lừa lọc, chửi bới, hận thù, ganh ghét NHƯ QUỶ đó thôi?  Có lẽ một câu hỏi khác nữa tôi cần phải tự hỏi trong giờ cầu nguyện này, đó là: Tôi có đang bị thần ô uế hay quỷ câm nào ám không?  Nếu không, sao tôi luôn cảm thấy ngại ngùng, khó đến không nói được những lời yêu thương với mọi người chung quanh, như: Tôi (linh mục) xin lỗi quý ông bà anh chị em; Ba xin lỗi con; Con biết ơn ba mẹ; Anh tha lỗi cho em; Con làm điều này hay quá; dù là mẹ, mẹ vẫn cần học ở con điều này...điều kia…?  Trái lại, mỗi lần tôi mở miệng ra là: tiêu cực, chua chát, gắt gỏng, thô lỗ, cay cú, chửi bới, nói xấu, miệt thị, thành kiến, hận thù và chia rẽ với đủ mọi người.  Tôi nói và diễn tả những tiêu cực này rất điêu luyện mỗi ngày, như thể đây là bản năng của tôi.  Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa Giêsu trong lúc này?  Xin được ơn chữa lành khỏi bị quỷ ô uế và câm ám chăng?  Tưởng cũng là một ơn rất cần thiết, nhờ vậy tôi mới làm cho gia đình và xứ đạo tôi được bình an, hiệp nhất và chan hòa yêu thương.     

    

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment