Monday, January 4, 2021

Thứ Ba Bát Nhật Hiển Linh – Năm B – 5-1-2021 – Lễ Thánh John Neumann

Thu Ba BNHL
1 Gioan 4:7-10

7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. 8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. 9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. 10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lễ Giáng Sinh là lễ của tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, và hôm nay vẫn còn trong Mùa Giáng Sinh.  Vì thế, thật thích hợp cho tôi tiếp tục suy niệm và chiêm ngắm tình yêu cao cả này.  Thánh Gioan đã cảm nghiệm được tình yêu rất lớn này và tình yêu này đã giúp ngài hiểu được một chút về Thiên Chúa; nhờ vậy, ngài đã cho tôi một định nghĩa về Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu”.  Chắc chắn, đây không phải là một định nghĩa hoàn hảo về Thiên Chúa, nhưng đây là định nghĩa ít sai nhất về Thiên Chúa.  Định nghĩa này không những chỉ cho tôi biết Thiên Chúa như thế nào, nhưng còn chỉ cho tôi cách thức sống gần với Thiên Chúa và cách thức nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi mọi người xung quanh.  Tôi muốn sống gần và trong Thiên Chúa ư?  Hãy yêu thương.  Tôi muốn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người xung quanh, và muốn họ nhận ra Chúa trong tôi ư?  Hãy yêu thương.  Tôi muốn ngồi đây, chiêm ngắm tình yêu cao cả này của Thiên Chúa. để được dìm mình vào trong biển yêu thương này.

2.      Gioan còn viết: Thiên Chúa yêu tôi trước, chứ không phải tôi yêu Ngài trước.  Như vậy đây là một tình yêu mà Thiên Chúa hoàn toàn dâng hiến cho tôi; Ngài đi bước trước đối với tôi về yêu thương; Ngài hằng chờ đợi tôi.  Bởi thế, khi bước vào giờ cầu nguyện, không phải là tôi mời Chúa đến, hay chờ Chúa đến, mà là tôi ý thức Chúa đang chờ đợi tôi từ bao giờ, Ngài vẫn ở đó chờ đợi tôi.  Tôi muốn ý thức điều này và mời tôi đến với sự hiện diện và chờ đợi của Thiên Chúa đang dành cho tôi.  Tôi sẽ làm gì, nói gì trước sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment