Friday, January 22, 2021

Thứ Bảy Tuần II Thường Niên – Năm B – 23-1-2021 – Kính Thánh Vincent, Phó tế Tử đạo và Thánh Marianne Cope, Đồng trinh

Thu Bay II TN

Mác-cô 3:20-21

20Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Phúc âm Mác-cô là phúc âm ngắn nhất trong bốn phúc âm.  Mác-cô có một cách viết rất cô đọng, dù chỉ với một lượng chữ rất ít, nhưng vẫn chuyển tải rất nhiều thông tin.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ điển hình.  Chỉ hai câu thôi, nhưng cũng đủ để cho tôi suy niệm về hai ý tưởng quan trọng cho đời sống của tôi hiện nay.  Thứ nhất: “Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được.”  Tôi có thể cảm thấy Chúa Giêsu và các môn đệ cũng bận rộn đến tối tăm mặt mũi, không có giờ ăn, nghỉ.  Có khi nào, hay ngày hôm nay, tôi cũng bận đến tối tăm mặt mũi, không có giờ ăn, nghỉ không?  Nếu có, tôi có thể chia sẻ với Chúa Giêsu về những lúc bận rộn ấy, và để ý Ngài hiểu và thông cảm với tôi như thế nào?  Có giây phút nào tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong những bận rộn ấy, hay tôi đã bận rộn trong cô đơn một mình?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về những cảm xúc của tôi ở những lúc tôi quá bận rộn ấy?

2.      Thứ đến: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.”  Đến lúc này, Chúa Giêsu đã rất nổi tiếng.  Dân chúng từ khắp các thành thị tuôn đến; các tư tế và Pha-ri-sêu cũng tìm đến để điều tra Ngài, vì Ngài đã phạm thượng và phạm luật ngày Sa-bát.  Có thể, người nhà của Chúa Giêsu nói Ngài bị điên để cho nhẹ tội chăng?  Có thể, lời kể của Mác-cô trong bài đọc hôm nay có ý nói về thái độ của dân chúng thời bấy giờ, chưa thể hiểu hoặc chấp nhận được những gì Chúa Giêsu rao giảng, nên họ cho là Ngài điên khùng chăng?  Điều này đã xảy ra với Quan đại thần của Triều Nguyễn Việt Nam, Cụ Phan Thanh Giản.  Năm 1863, Phan Thanh Giản dẫn đầu Sứ Bộ của Nhà Nguyễn đi Pháp.  Sau khi trở về, Cụ Phan đã tường thuật về văn minh Pháp, ở bên đó “bóng đèn treo ngược”, và “nước từ trong tường chảy ra”!  Mặc cho mọi nỗ lực lý giải về văn minh Pháp, các quan thần chỉ thấy đó là truyện cười, thậm chí còn cho rằng, Cụ Phan đã bị Tây mê hoặc, đến nỗi Cụ suýt bị Vua Tự Đức chém đầu.  Chẳng phải chỉ có Cụ Phan Thanh Giản ở trời Ta, còn có cả Cụ Joshua Coppersmith ở trời Tây nữa.  Năm 1880, Cụ Coppersmith đã vận động kiếm tiền để chế tạo ra máy có thể truyền tải tiếng người, mà ngày nay gọi là điện thoại, không dùng điện tín mã Morse.  Nhờ ý tưởng này, mà ngày nay thế giới đã có điện thoại, không chỉ nghe được tiếng người mà còn nhìn thấy hình nữa.  Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Cụ Coppersmith lúc bấy giờ đều bị ngờ vực, tuyên truyền và chỉ trích rất nặng, thậm chí Cụ còn bị cảnh sát treo lệnh truy nã như một tội phạm vì dám mị dân, bởi làm gì mà có máy nào có thể chuyển tải tiếng người!  Đã hai ngàn năm rồi, tôi hiểu và đón nhận Chúa Giêsu cùng những lời dạy của Ngài như thế nào về: Thiên Chúa, ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu, tình yêu, bình an, hạnh phúc, sự tự do, sự tha thứ và chân, thiện, mỹ?  Có những cố chấp và khép kín trong trí hiểu nào vẫn được tôi bảo kê mạnh mẽ, khiến tôi an phận trong bóng tối của u mê ngu mù và để những sự xấu cùng cái ác dẫn đường tôi bao lâu nay?  Trong giây phút này, tôi muốn xin Chúa mở trí và mở lòng tôi, để biết nhìn ra sự thật, sự sáng, những góc khuất đang làm tôi ngu muội, cố chấp, trong những vấn đề cụ thể của cuộc sống quanh tôi hiện nay như: chuyện bầu cử ở Mỹ vừa qua, chuyện đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới hiện nay, chuyện giáo xứ tôi, chuyện gia tộc tôi, chuyện vợ chồng tôi, chuyện con cái của tôi…

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment