Saturday, January 23, 2021

Chúa Nhật Tuần III Thường Niên – Năm B – 24-1-2021 – Chúa Nhật Lời Chúa

 CN III TN

Gn 3:1-5, 10

1Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng: 2 “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” 3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán.  Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” 5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.

(Trích Sách Giô-na, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sách Giô-na là một tập sách rất ngắn trong Kinh Thánh Cựu Ước, xuất hiện vào khoảng năm 785-760 T.C.N.  Đây là một loại sách mang tính dụ ngôn, bao gồm những câu chuyện giả tưởng.  Cụ thể, tôi có thể tìm thấy trong sách này nhiều hình ảnh rất phóng đại và có tính hoang đường, như: thành Ni-ni-vê rộng ba ngày đường, từ vua quan đến thường dân, đến cả thú vật đều sám hối, mặc áo nhặm, ăn chay và ngồi trên đống tro…, hoặc tiên tri Giô-na bị cá mập nuốt vào bụng ba đêm ngày, sau đó nhả ông lại trên bờ, vậy mà ông vẫn còn sống và tiếp tục đi rao giảng!  Khác với các sách tiên tri khác thường tập trung vào lời tiên tri của các ngài, Sách Giô-na tập trung vào cuộc đời của Giô-na qua đó chuyển tải thông điệp của Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài, Ít-ra-en.  Trong bài đọc hôm nay, Giô-na đi rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, kẻ thù không đội trời chung của dân Ít-ra-en.  Ngay ở điểm này tôi có thể thấy một thông điệp quan trọng mà tác giả muốn nói với tôi, đó là: Dân Ít-ra-en rất tự hào là dân riêng của Chúa, vì thế ơn cứu độ chỉ có thể ban cho họ mà thôi, còn dân Ni-ni-vê chỉ đáng bị Thiên Chúa nguyền rủa và chúc dữ.  Thế nhưng, Thiên Chúa không phải như vậy.  Hành động Giô-na bị Chúa bắt phải đi rao giảng sự thống hối cho dân Ni-ni-vê vì Ngài cũng thương họ nữa.  Đây là điểm tôi có thể suy niệm trong giờ cầu nguyện này: Đâu là những lần tôi có đầu óc hẹp hòi, óc lên án với những người chung quanh?  Cụ thể như cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, đợt bầu cử tại Mỹ vừa qua, cùng những mối bất hòa với những người quanh tôi gần đây, tôi có chì chiết và miệt thị những người không cùng chính kiến, không cùng đảng phái và không ưa với tôi bằng những tên gọi rất hạ cấp, thua con người, thậm chí thua cả súc vật nữa?  Tệ hơn nữa, tôi lại còn xin Chúa phạt cho chúng chết nhăn răng?  Tôi nghĩ Chúa nhậm lời tôi cầu nguyện như vậy không, hay Chúa muốn tôi có lòng nhân?  Tôi nói chuyện với Chúa về những cảm nghĩ của tôi về sự hận thù, về đức bác ái của tôi, về tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho hết mọi người.

2.      Sách Giô-na kể: Dân Ni-ni-vê đã sám hối ăn năn và Thiên Chúa đã hối tiếc vì đã tuyên bố sẽ phạt họ.  Giô-na dùng một kiểu nói rất táo bạo: Thiên Chúa “hối tiếc”.  Dĩ nhiên, không phải Thiên Chúa hối tiếc, vì Ngài không thể sai, và cũng không bao giờ đánh phạt một ai.  Nhưng kiểu nói này là để nói về dân Ít-ra-en, mà Giô-na là đại diện, hối tiếc vì đã nhân danh Thiên Chúa chúc dữ, nguyền rủa dân Ni-ni-vê.  Dân Ít-ra-en có thể hối tiếc về những ác tâm của họ, tôi có hối tiếc về những suy nghĩ và hành động đầy ác tâm, ác đức của tôi đối với những người tôi không ưa chăng?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?      

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment