Công Vụ Tông Đồ 22:3-16
3Hôm đó, ông Phao-lô nói với dân chúng:
“Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi
dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ
Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi
cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. 4 Tôi
đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục
cả đàn ông lẫn đàn bà, 5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể
hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với
anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem
trừng trị.
6“Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát,
thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu
xuống bao phủ lấy tôi. 7 Tôi ngã xuống đất và nghe có
tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8 Tôi
đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà
ngươi đang bắt bớ.’ 9 Những người cùng đi với tôi trông
thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. 10 Tôi
nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Chúa bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở
đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh
phải làm.’ 11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không
còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.
12“Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng
đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là
tốt. 13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: ‘Anh Sa-un, anh thấy
lại đi!’ Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. 14 Ông
nói: ‘Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của
Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. 15 Quả
vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã
thấy và đã nghe. 16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy
mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
(Trích Sách Tông Đồ Công
Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay là Lễ Thánh Phao-lô trở lại.
Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, trước khi theo Chúa Giêsu, ông là một người
Pha-ri-sêu, rất sùng đạo Do-thái và giữ luật rất nghiêm túc. Lòng nhiệt thành ấy đã thúc đẩy ông chống đối
và thù ghét tất cả những ai, cụ thể là những người đi theo Chúa Giêsu, đang đi
nghịch lại với Do-thái giáo. Tuy nhiên,
ông đã bị Chúa Giêsu biến đổi. Ngài đã gặp
Phao-lô ở những lúc ông đang hăng say và nhiệt thành nhất. Có thể nói, không một ngôn ngữ nào rõ ràng, gần
gũi, sâu kín, riêng tư, mạnh mẽ và quen thuộc với tôi cho bằng các tài năng và
niềm đam mê của tôi, cái mà tôi luôn thích nói về nó, hãnh diện chia sẻ và mọi
người biết tôi qua nó, đồng thời tìm được động lực sống mỗi ngày. Có lẽ đây là điểm tôi có thể dừng lại để suy
niệm trong giờ cầu nguyện này, và tự hỏi: Đam mê, tài năng, sở thích, và lòng
nhiệt thành của tôi là gì? Bất kể chúng
thánh thiện hay xấu xa, tích cực hay tiêu cực, miễn là chúng rất quan trọng đối
với tôi. Chúa cũng rất quý trọng chúng,
và đang muốn nói chuyện với tôi qua chúng.
Tôi nghe thấy không? Tôi muốn nói
gì với Chúa về những đam mê, tài năng, sở thích, và lòng nhiệt thành này? Nếu chúng tiêu cực, Chúa có thể giúp tôi định
hướng lại những lệch lạc ấy, như Ngài đã làm với Phao-lô và các thánh trong
giáo hội. Nếu chúng tích cực, Chúa có thể
làm cho nó tốt hơn nữa.
2.
Chúa Giêsu đến gặp Phao-lô ở chính những gì ông đang đam mê và nhiệt
thành nhất, và Phao-lô đã dám hỏi Ngài một câu thật quan trọng: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Thế
rồi ông, ông đã lắng nghe và đã sống như những gì Chúa Giêsu dạy cho đến cuối
đời. Tôi có thể và dám hỏi Chúa Giêsu
câu hỏi tương tự như vậy không? “Lạy
Chúa Giêsu, Chúa muốn con phải làm gì với những đam mê, tài năng, sở thích và lòng
nhiệt huyết mà con đang có?” Tôi hỏi và
lắng nghe xem Chúa Giêsu chỉ dạy tôi phải làm gì với những đam mê, tài năng, sở
thích và lòng nhiệt huyết đang sôi sục trong tôi, kể từ hôm nay cho đến cuối
đời.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment