Mát-thêu 14:1-11
1Thời ấy, tiểu vương
Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, 2thì nói với những kẻ hầu
cận rằng: "Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy,
nên mới có quyền năng làm phép lạ." 3Số là vua
Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông
Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4Ông Gio-an có nói với vua:
"Ngài không được phép lấy bà ấy." 5Vua muốn giết ông
Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6Vậy,
nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một
điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7Bởi
đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8Nghe lời mẹ xui
bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an
Tẩy Giả đặt trên mâm." 9Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã
trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cộ 10Vua
sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11Người ta đặt đầu ông
trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.
Gợi ý cầu nguyện
1.
Câu chuyện Gio-an bị chặt đầu đã
nổi tiếng đối với mọi Kitô hữu. Gio-an
đã có một đời sống rất khiêm nhường, nhưng cũng rất mạnh mẽ dám làm chứng cho
công lý và sự thật. Chính vì lên tiếng
cho công lý và sự thật mà ông bị tống ngục và cuối cùng bị giết. Đời sống của Gio-an tuyệt đẹp khiến Chúa Giêsu
phải khen, “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân
đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an” (Lc 7:28a). Hôm nay, nghe lại câu chuyện rất
ấn tượng về Gioan, tôi cảm thấy đời sống chứng nhân Kitô hữu của tôi như thế nào? Tôi sẽ sống như thế nào để làm chứng cho Công
lý, Chân lý và Sự Thật? Tôi đọc lại câu
chuyện trên để tìm sức mạnh sống đời làm chứng.
2.
Câu chuyện Gio-an bị chém đầu phủ kín một mầu
đen của thế lực sự ác nhằm: 1) Bịt miệng công lý; 2) Che giấu những việc làm
xấu. Vua Hê-rô-đê tống giam Gio-an chỉ
vì ông đã phản đối nhà vua, dám cướp vợ của anh mình. Mẹ của vũ nữ đã lấy mạng của Gio-an để che
giấu chuyện dan díu với Hê-rô-đê. Hôm
nay, Giáo hội mời gọi tôi đọc lại câu chuyện này, chắc hẳn không phải đọc như
câu chuyện lịch sử xảy ra hai ngàn năm trước đây, nhưng cũng là câu chuyện đang
xảy ra quanh tôi ngày hôm nay. Có bao
giờ vì hèn nhát, vì ích kỷ, tôi đã làm ngơ, im lặng trước những bất công áp bức
quanh tôi? Có bao giờ vì những chuyện
ghen tương, nhỏ nhen của tôi, hoặc của những người quanh tôi, khiến người công
chính bị bỏ bù, bị vạ lây, bị vu oan cáo vạ, hoặc bị chết không? Tôi muốn nói gì với Chúa trong giờ cầu nguyện
này? Tôi có quyết tâm gì từ nay trở đi?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment