Thursday, August 22, 2019

Thứ Sáu Tuần XX Mùa Thường Niên – Năm C – 23-8-2019

Thu Sau XX TN
Mát-thêu 22:34-40

34Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36"Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" 37Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#22)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Người thông luật đã hỏi thử Chúa Giêsu về luật.  Dù đây là câu hỏi để gài bẫy Chúa Giêsu, nó cũng là câu hỏi nghiêm túc đặt ra cho chính tôi.  Có bao giờ tôi đặt câu hỏi với chính tôi về: lề luật, đức tin?  Chúa Giêsu nói, chỉ có hai luật quan trọng nhất: Mến Chúa và Yêu Người.  Phải chăng bao lâu nay tôi đã giữ đủ mọi thứ luật, ngoại trừ luật yêu thương?  Phải chăng bao lâu nay tôi vẫn biết đức tin là một món quà quý, nên tôi đã luôn GIỮ ĐẠO (giữ đủ mọi thứ luật, rước sách linh đình nào cũng có mặt, thuộc đủ mọi thứ kinh câu bổn, đọc vang cả nhà thờ), nhưng tôi đã không SỐNG ĐẠO (bỏ thực hành luật yêu thương, và thiếu diễn tả yêu thương bên ngoài nhà thờ và bên ngoài giờ cầu nguyện)?  Tôi muốn nhìn lại đời sống đức tin của tôi, và bàn với Chúa Giêsu về một hướng thực hành đức tin đúng ý Chúa hơn.

2.      Chúa Giêsu không bác bỏ luật Mô-sê và các tiên tri, khuyến dụ người ta phải mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.  Tôi hiểu câu này như thế nào?  Tôi muốn hỏi Chúa Giêsu xem, rồi để ý Ngài giải thích như thế nào.  Điều răn thứ hai là phải yêu tha nhân như chính mình.  Tôi đã thực hành điều này như thế nào khi tôi gặp một người bị nạn?  Khi họ là những người nghèo, ăn xin?  Khi họ là những người di dân và tị nạn?  Khi họ là những người già, khuyết tật, neo đơn, cô đơn, đau khổ, bệnh tật, bị kỳ thị vì mầu da, phái tính, niềm tin…?  Nên nhớ, chỉ khi nào tôi yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, tôi mới có đủ sức, đủ sáng tạo, đủ bén nhạy để yêu tha nhân như chính mình được.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment