Luca 15:1-10
1Khi ấy, các người thu thuế và các người
tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy
vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón
tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su
mới kể cho họ dụ ngôn này:4 “Người nào trong các ông có một
trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài
đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm
được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà,
người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã
tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ 7 Vậy,
tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người
tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần
phải sám hối ăn năn. 8 Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan,
mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm
cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm
lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh
mất.’ 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều
thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc
cho Thánh lễ hôm nay rất dài, bao gồm ba dụ ngôn cùng mang một chủ đề, đó là:
thất lạc; nhưng trong khuôn khổ của giờ cầu nguyện này chỉ hai dụ ngôn được ghi lại
ở đây. Tôi có thể tập trung vào hai dụ
ngôn này trong giờ cầu nguyện hôm nay.
Thứ nhất, dụ ngôn người mất chiên.
Tôi rất dễ cho rằng người chăn chiên thật ngớ ngẩn! Tại sao anh ta phải
bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên thất lạc? Dù sao anh ta vẫn còn chín mươi chín con kia, mất một con có sao đâu; ấy thế mà, tìm được rồi lại mời bạn bè đến ăn mừng,
tốn kém còn hơn cả một con chiên mới tìm được!
Đúng như vậy, nếu cái mất này là mất chiên, mất của cải. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này không để nói mất
chiên nhưng là mất người. Ừ thì cho dù
là người đi nữa, Thiên Chúa vẫn còn cả thế giới này và Ngài có thể dựng nên
biết bao nhiêu người khác kia mà. Không. Chúa Giêsu thật sự muốn nói, mỗi một con
người, trong đó có tôi, là một nhân vị độc đáo quý giá trước mặt Thiên Chúa, dù là chín mươi chín người kia, hay dù cả thế giới này
cũng không thể thay thế được tôi. Mỗi
một con người như là một mẩu ghép trong bộ đồ chơi ghép hình puzzle, dù thiếu chỉ một miếng cũng
làm cho bức hình puzzle không trọn
vẹn. Thiên Chúa yêu thương, quan tâm hết
mọi người và từng người một. Tôi cảm
thấy như thế nào trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể?
Tôi có phải là con chiên đang bị thất lạc mà Thiên Chúa đã và đang vất
vả kiếm tìm? Tôi cảm thấy quan trọng
như thế nào trong con mắt của Thiên Chúa?
Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?
2.
Dụ ngôn
thứ hai, dụ ngôn người đàn bà mất đồng bạc, cũng mang một nghĩa tương tự. Tôi sẽ không hiểu nổi dụ ngôn này nếu tôi có
cái nhìn vật chất hơn thua, lời lỗ. Tôi
có thể dễ chê bai bà, như: Bà già này lẩm
cẩm, mất có một đồng bạc, vẫn còn cả chín đồng kia, thế mà đốt đèn, quét nhà để
tìm cho bằng được, tìm được rồi lại mời hàng xóm đến ăn mừng, còn tốn kém hơn
cả đồng tiền tìm thấy! Thiên Chúa không
hề nghĩ như tôi. Lối nghĩ của tôi ở trên
đầu, còn lối nghĩ của Thiên Chúa ở con tim, còn hơn cả những gì tôi có thể nghĩ. Có khi nào tôi quý một bức ảnh, một kỷ vật từ
một ai đó rất thân thương đã tặng? Người
ấy có thể là ông bà, cha mẹ, hoặc một người thân nào đó, nhưng nay không còn
nữa. Chắc chắn, bức ảnh đó, kỷ vật ấy xét
về mặt vật chất, có thể chỉ đáng 50 xu, nhưng những người có tiền rừng bạc bể vẫn
không thể mua được. Bởi, tôi chẳng
thể nào có được bức hình thứ hai, vì bà của tôi không còn nữa; hoặc, tôi chẳng thể
nào trở về tuổi thơ để có được một bức hình khác rất ngây thơ thủa ấy. Chúa Giêsu thật sự muốn khẳng định, mỗi một
con người, trong đó có tôi, được ví quý như một đồng bạc trong mười đồng của
sợi dây chuyền mà cha mẹ, ông bà đã tặng cho tôi trong ngày cưới. Hôm nay sợ dây chuyền ấy bị mất một đồng trên
dây chuỗi rất quý đó, chắc chắn tôi sẽ phải tìm cho bằng được, nếu không sợi
dây chuyền đó không còn giá trị nữa, cho dù tôi có thể ra tiệm làm một đồng mới
để thay thế vào đồng đã mất, nhưng dây chuyền không còn giá trị nguyên thủy của
nó nữa. Như vậy để thấy, tôi quan trọng
như thế nào trong con mắt của Chúa. Tôi
có thấy tôi như như những đồng bạc, như những viên kim cương đính trên sợi dây
chuyền nơi cổ của Thiên Chúa? Tôi thấy
tôi đẹp và có giá trị như Chúa rất trân quý tôi? Tôi muốn nói gì với Chúa đây?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment