Tuesday, September 13, 2022

Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên – Năm C –14-9-2022 – Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Thu Tu XXIV TN

Gioan 3:13-17

13Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Lễ Suy Tôn Thánh Giá.  Nói đến Thánh Giá, người Công giáo thường nghĩ ngay đến đau khổ và chết chóc.  Xét về thể lý, điều này chẳng có gì sai; bởi, cái chết của Chúa Giêsu phản ảnh rất trung thực về sự tàn độc đến man rợ của con người đối xử với con người.  Chúa Giêsu đã bị đánh đập một cách tàn bạo, bị xỉ nhục đến vô nhân tính và bị chết treo trên thập giá một cách thảm khốc.  Người Công giáo không chỉ có Lễ Suy Tôn Thánh Giá, nhưng còn có đủ các kiểu ngắm nguyện về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, như: Ngắm Dấu Đanh, Ngắm Mười Bốn Sự Thương Khó Chúa Giêsu, Ngắm Đàng Thánh Giá…  Đến mùa ngắm của Tam Nhật Thánh, người Công giáo Việt Nam còn khóc lóc ỉ ôi, nghe thật não nuột.  Một số nơi của người Công giáo Phi-luật-tân còn có người đóng vai Chúa Giêsu chịu đánh đòn và chịu treo trên thập giá, như thật vậy, chỉ có điều là không bị giết!  Nếu vậy, người Công giáo là những người thích tôn sùng đau khổ?  Một lối sống đạo và một nền thần học như vậy có đúng không?  Không.  Bởi, đâu chỉ một mình Chúa Giêsu chịu nhục hình và chết treo trên thập giá, mà còn có cả hai tên trộm cũng bị nhục hình như vậy, và trong lịch sử Do-thái cả trăm, cả ngàn người cũng đã bị nhục hình như vậy.  Trên thế giới, biết bao nhiêu người cũng trải qua rất nhiều đau khổ, nhục hình không kém gì Chúa Giêsu, thậm chí có thể còn đau khổ hơn, mặc dù không bị treo trên thập giá.  Ấy thế mà, biết bao nhiêu người phải trải qua những đau khổ và nhục hình ấy chẳng ai đã có thể đem lại ơn cứu độ cho tôi, ngoại trừ một mình Chúa Giêsu.  Điều này cho tôi thấy, đau khổ là một sự ác, đau khổ không cứu độ con người, chỉ có tình yêu mới làm nên ơn cứu độ.  Bởi vậy, hôm nay là Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo hội không mời gọi tôi đọc bài thương khó của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay không mang một sắc mầu u uẩn, cũng chẳng mang hơi hướng của những đau khổ chết chóc, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa cứu độ trần gian.  Ơn cứu độ đến được với tôi nhờ tin vào tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải do tôi đau khổ, hoặc khóc lóc ỉ ôi trong các giờ kinh nguyện, như thể để Chúa mủi lòng mà cứu độ tôi.  Không.  Ơn cứu độ đến từ Chúa Giêsu Kitô một cách nhưng không.  Chúa Giêsu Kitô đã chết một lần là đủ và ơn cứu độ này dành cho hết mọi người lương cũng như giáo, ở mọi thời đại.  Vấn đề hoàn toàn ở tôi, có muốn tin và đón nhận ơn cứu độ hay không mà thôi.  Tôi muốn dành giây phút này để chiêm ngắm, để ôm ấp tình yêu cao cả từ Chúa Giêsu Kitô đang dành cho tôi và tôi dâng lời cảm tạ. 

2.     Thánh Gioan viết: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Đây là một câu nói rất nổi tiếng trong Phúc âm Gioan và thường được trích dẫn rất nhiều.  Tôi đọc đi ngẫm lại câu nói này để thấu hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi lớn biết chừng nào!  Có khi nào tôi yêu ai mà dám cho đi tất cả, kể cả mạng sống không?  Nếu có, chắc hẳn tôi yêu người đó nhiều lắm, yêu hơn cả chính tôi nữa.  Thiên Chúa mà tôi tôn thờ là thế đó.  Ngài cho đi chính Con Một của Ngài để cho tôi được sống.  Tôi muốn mở lòng, tin nhận và thần phục Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt tôi trong giờ cầu nguyện này.  Ước gì từ hôm nay trở đi mỗi khi nhìn lên thập giá Chúa Kitô, tôi cảm thấy một dòng chảy của tình yêu vô điều kiện, dù có phải đau khổ hay cực hình hoặc chết tất tưởi trên thập giá, miễn sao tình yêu ấy đụng chạm được đến tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Thập Giá Ngất Cao”, do Lm Hoàng Kim sáng tác, với sự trình bày của Thiên Hương và Tấn Đạt, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=VssoUaXWt34

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment