Mát-thêu 9:9-13
9Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu
thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi
Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội
lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy,
những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các anh lại
ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 12 Nghe thấy
thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới
cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn
lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi
không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Hôm nay là lễ kính Thánh Mát-thêu Tông đồ và cũng là tác giả của bài đọc
hôm nay. Tôi có thấy điều gì lạ trong
bài đọc hôm nay không? Mát-thêu viết về
ơn gọi của mình rất lạ. Ông viết: “Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là
Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: ‘Anh
hãy theo tôi!’ Ông đứng dậy đi theo
Người. Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy…” Tôi để ý, Mát-thêu viết về mình ở
ngôi thứ ba: “Mát-thêu”, hoặc “ông ấy”, chứ không viết ở ngôi thứ nhất: “Tôi”. Cách viết này bộc lộ nhiều điều về ông. Trước hết, ông kể rõ tên ông là Mát-thêu, làm
nghề thu thuế. Chỉ một câu, đủ để nói
ông là người như thế nào đối với dân tộc của ông. Xét về chủng tộc, ông bị xếp vào loại “kẻ thủ
của nhân dân” vì làm tay sai cho ngoại bang; xét về tôn giáo, ông bị xếp vào
loại “người tội lỗi”; bởi, người Do-thái tin rằng, chẳng có người làm thuế nào mà
liêm chính, ai cũng “ăn bẩn”. Như thế,
ông là người bị loại ra khỏi dân tộc và cộng đồng giáo hội của ông. Có thể, do những mặc cảm luôn là người bị
loại ra bên lề dân tộc và hội đường của mình đã khiến Mát-thêu viết rất khiêm
tốn về mình, ở ngôi thứ ba? Có lẽ cũng ở
sự khiêm nhường này, đã khiến Mát-thêu có thể theo Chúa một cách dễ dàng như
vậy; dù túi ông lúc ấy, tiền cũng còn đủng đỉnh lắm? Chúa Giêsu quý ông ở điểm này: khiêm
nhường. Dù ông bị dân chúng xa tránh
khinh ghét, nhưng ông không để Chúa ghét ông.
Dù ông giầu có, nhưng ông không để sự giầu có làm ông xa cách Chúa. Chúa gọi, ông đứng phắt dậy và đi theo. Tôi thấy gì và học được gì ở Mát-thêu? Tôi đang là loại người nào? Chúa có đang gọi tôi không? Tôi đáp lại tiếng gọi của Ngài ra sao?
2. Mát-thêu viết tiếp câu chuyện đổi đời ấy.
Có lẽ, từ khi bước vào nghề làm thuế, chẳng người Do-thái nào đã thèm
nói chuyện hay muốn làm bạn với ông. Hôm
nay, bỗng dưng một người Do-thái, tên Giêsu, gọi ông đi theo mình. Niềm vui này chắc phải lớn lắm. Ngay lập tức, ông đã mời Chúa Giêsu về nhà
mình ăn. Đang khi ăn, mấy người
Pha-ri-sêu mất lịch sự, có lẽ không được mời vào ăn và đang đứng ngoài cửa, vặn hỏi móc họng các môn đệ Chúa Giêsu: Tại sao Thầy mấy người lại ăn uống
ở nhà của Mát-thêu, một người tội lỗi? Chúa Giêsu liền trả lời thay cho các môn đệ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người
đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn
lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi
không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Có lẽ, Mát-thêu thích câu này của Chúa Giêsu lắm, và đã cẩn thận viết câu nó vào nhật ký của mình, để không bao giờ quên! Bởi, câu nói này như chìa khóa thần tháo cởi mọi xiềng xích đã cột trói tâm hồn ông, hoặc như thuốc tiên đã chữa lành tâm hồn của ông bao lâu nay. Có lẽ, chưa bao giờ ông cảm thấy thật tự do, thật hạnh phúc và thật gần Thiên Chúa như thế.
Tôi có thấy câu nói này Chúa Giêsu cũng nói cho tôi? Tôi có cần câu nói này của Chúa Giêsu
không? Câu nói này đang mở ra cho tôi
những cánh cửa nào? Ai đang cần câu nói này từ tôi, để họ cũng được tự do, hạnh phúc và chữa lành? Tôi muốn nói gì với
Chúa Giêsu trong lúc này?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment