Mát-thêu 1:18-23
18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà
Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về
chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông
Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định
tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì
kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu
Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do
quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông
phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội
lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm
lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ
sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là
Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một câu chuyện đầy thú vị, thật đáng để tôi suy niệm
trong giờ cầu nguyện này. Thú vị thứ nhất,
hay có thể nói là ngỡ ngàng đến té khỏi ghế đối với Giuse, đó là: chuyện Maria
có thai, bởi phép Chúa Thánh Thần, chứ không bởi Giuse. Dù là chuyện xảy ra bởi quyền năng của Chúa
Thánh Thần đi nữa, nhưng cũng rất khó để cho Giuse hiểu và chấp nhận. Cuộc đời của tôi có những kinh nghiệm như thế
này bao giờ chưa? Dù rằng tôi cầu nguyện
mỗi ngày: xin cho ý Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời, ấy vậy mà, khi
Chúa thực hiện tôi lại không hiểu nổi, không chấp nhận nổi, tôi than trách, tôi
buồn sầu, tôi chối bỏ Chúa. Thứ hai,
Phúc âm Mát-thêu là phúc âm viết cho những người Do-thái thuộc văn hóa phụ hệ;
trong đó, chỉ đàn ông Do-thái chiếm vị thế độc tôn, ấy thế mà, trong bài đọc
gia phả Chúa Giêsu hôm nay lại xuất hiện không chỉ người Do-thái mà thôi, nhưng
có cả những dân ngoại; không chỉ có nam giới mà thôi, còn có cả nữ giới nữa! Đây là một nét độc đáo trong Phúc âm
Mát-thêu, một ánh sáng và là tia hy vọng cho mọi người không phải là Do-thái,
trong đó có tôi, không phải là đàn ông, trong đó có bà, có mẹ, có vợ, có chị
em, cùng các bạn gái của tôi, không chỉ những người có địa vị sang giầu, trong
đó có cả những người nghèo hèn. Thiên
Chúa luôn lưu ý đến những con người thấp hèn, khiêm nhường, nhỏ bé, bị loại ra
bên lề xã hội. Tình yêu của Thiên
Chúa là thế đó, ví như dòng nước, bao giờ cũng chảy xuống và đọng lại nhiều nhất
ỡ chỗ nào trũng thấp nhất. Tôi ở lại
trong điểm thú vị này, để cảm nghiệm Chúa đang ở thật sâu trong chỗ thấp nhất của
tâm hồn tôi. Thứ ba, nhờ lời xin vâng của
Đức Mẹ mà Thiên Chúa cao cả, không ai và không gì sánh bằng, nay đã đến ở trong
kiếp phàm nhân, Thiên Chúa ấy gọi là Thiên Chúa Emmanuel, Thiên Chúa ấy luôn muốn
ở cùng tôi, để chia vui sẻ buồn với tôi trong mọi lúc. Tôi muốn nói chuyện với Thiên Chúa Emmanuel,
để được nâng đỡ và thêm sức mạnh, vì không một nỗi buồn hay đau khổ nào trong
tôi mà Ngài không hay biết. Ngài rất
hiểu tôi đang có tâm sự gì. Tôi mở lòng
và tôi thổ lộ cùng Ngài.
2.
Trong lịch Phụng vụ của Giáo hội, ngoài những ngày kính Chúa ra, Giáo hội
có rất nhiều ngày để kính Mẹ Maria. Bất
cứ ai cũng có một ngày sinh. Mặc dù
không biết ngày sinh nhật của Mẹ Maria là ngày nào, nhưng Giáo hội vẫn chọn một
ngày để mừng sinh nhật của Mẹ, đây là một lẽ tự nhiên của lòng con thảo. Bởi, khi yêu ai, mình luôn muốn có nhiều dịp
để vui mừng với người đó. Mà yêu Mẹ
Maria thì không có gì sai, dù Mẹ không phải là Thiên Chúa. Bởi chắc chắn một điều, Thiên Chúa chẳng bao
giờ xét phạt tôi bởi, tôi đã quá yêu Mẹ Maria, Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Sinh nhật của một người tôi yêu mến, tôi thường
tổ chức tiệc tùng, hát mừng sinh nhật, tặng hoa sinh nhật... Chắc chắn, Mẹ Maria không cần những thứ này;
vậy, tôi sẽ làm gì trong ngày hôm nay để mừng Mẹ? Có thể những giây phút trầm lắng bên Mẹ? Có thể một nghĩa cử yêu thương với những con
cái của Mẹ? Có thể tâm sự với Mẹ về một
ưu tư lo lắng của tôi dành cho những người tôi thương mến? Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài
hát mừng Mẹ: “Kinh Kính Mừng,” sáng
tác của Mai Khanh, với sự trình bày của Angelo Band, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=46hnux-Pabs
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment