Thursday, September 29, 2022

Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –30-9-2022 – Lễ Thánh Giê-rô-ni-mô

Thu Sau XXVI TN

Gióp 38:1, 12-21; 40:3-5

38/1Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: 12“Trong cả đời ngươi, đã có lần nào ngươi từng ra lệnh cho buổi sáng, chỉ định vị trí cho hừng đông, 13để hừng đông nắm chắc mười phương đất, giũ cho sạch hết bọn gian tà? 14 Bấy giờ, đất thay màu đổi sắc tựa màu đất sét dùng làm ấn niêm phong, và muôn loài xuất hiện tựa tấm áo lộng lẫy huy hoàng. 15Nhưng ác nhân thấy mình mất đi ánh sáng, cánh tay từng tung hoành, nay bị bẻ gãy. 16 Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu? 17 Có ai từng mở cho ngươi lối vào âm phủ và ngươi thấy được cửa dẫn tới âm ty? 18 Có khi nào ngươi hiểu mặt đất rộng chừng nào?  Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ nói đi! 19 Con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng, đâu là nơi bóng tối cư ngụ, 20để ngươi đưa nó đến miền nó ở, và nhận ra đường về nhà nó? 21 Điều này, hẳn ngươi biết rõ, vì khi ấy, ngươi đã chào đời, và đời ngươi đã qua bao năm tháng!”... 40/3Ông Gióp thưa lại Đức Chúa: 4“Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài?  Con sẽ đưa tay lên che miệng. 5 Đã nói một lần rồi, con không lặp lại nữa, có nói lần thứ hai, cũng chẳng thêm được gì!”

(Trích Sách Gióp, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Tuần này cả giáo hội đã đọc và suy niệm về Sách Gióp, một tập sách được xem là lâu đời nhất trong toàn bộ Kinh Thánh Kitô giáo và là một tập sách nổi tiếng trong nền văn chương khôn ngoan của nhân loại, nói về đau khổ.  Đau khổ là một thực tại của cuộc sống.  Không ai sống trong cuộc đời này mà không phải trải qua đau khổ.  Trong thực tế, có những người cứ bị đau khổ theo bám cả đời, đến còng cả lưng!  Thế nên, Việt Nam mới có câu: “Gánh khổ mà đổ lên non, cong lưng bỏ chạy khổ còn đuổi theo.”  Đau khổ, tự nó là một câu hỏi khó trả lời.  Nhưng, Sách Gióp còn giúp tôi đối diện với một câu hỏi lớn hơn nữa, đó là: Tại sao người công chính phải đau khổ?  Ông Gióp là một người công chính; thế nhưng, ông đã phải trải qua không biết bao nhiêu tai ương, khốn khó.  Bài đọc hôm nay chính là câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất này.  Dù đau khổ là một mầu nhiệm và chẳng ai có thể hiểu được nó; tuy vậy, Gióp vẫn không mất lòng trông cậy ở Chúa.  Cuối cùng Gióp đã thoát khổ.  Friedrich Nietasche (1844-1900), một triết gia lỗi lạc người Đức nói, “Sống thì phải đau khổ; để sống còn thì phải tìm ý nghĩa trong đau khổ - To live is to suffer, to survive is to find some meaning in the suffering.”  Một khi tôi tìm thấy ý nghĩa trong đau khổ, đau khổ sẽ tự nó biến mất!  Tôi đã và đang trải qua những đau khổ nào?  Tôi đi đâu để tìm thấy câu trả lời và ý nghĩa?  Đức tin có giúp tôi tìm thấy ý nghĩa cho những đau khổ của tôi?  Chúa có còn là Đấng tôi cậy trông, hay tôi thất vọng về Ngài?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?

2.  Chẳng phải chỉ có người công chính đau khổ, nhưng mọi người đều đau khổ: người xấu, người tốt, người công chính, kẻ bất lương.  Vậy, sự oán than của tôi về đau khổ đến từ đâu?  Từ sự công chính của tôi hay từ sự bất nhân của tôi?  Từ tính kiêu căng của tôi hay từ sự khiêm nhường của tôi?  Từ sự khôn ngoan của tôi hay từ sự thiếu hiểu biết của tôi?  Cùng lắm cho đến giờ, tôi đã sinh được bằng này người con; tôi đã thủ đắc được bằng này bằng cấp; tôi đã làm ra được bằng này tiền; tuy nhiên, dù tôi là ai và dù tôi sở hữu được bao nhiêu, tất cả sẽ như cát rơi tuột khỏi tay tôi.  Tôi đọc lại bài đọc trên của Gióp và để ý, tôi biết gì và đã làm được gì, khiến tôi trách móc Thiên Chúa đã để tôi đau khổ?  Ai cũng thế, sẽ có một ngày, mọi người đều chỉ có thể nói được như Gióp: “Tôi sinh ra trần truồng, giờ đây tôi chết cũng trần truồng!”  Sự thật này có giúp tôi bớt khổ ra sao?  Tôi nói chuyện với Gióp và tôi nói chuyện với Chúa.  Đặc biệt tôi ngắm nhìn Thiên Chúa, Đấng là chủ thể muôn loài, vậy mà đã chịu đau khổ để chia sẻ với mọi đau khổ của tôi.  Nhận thức điều này có giúp tôi bớt khổ chút nào không?  

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment