Luca 6:6-11
6Một ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường
và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô
bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình
xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo
Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên
bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. 9 Đức
Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành
hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” 10 Người rảo
mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại
bình thường. 11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau
xem có làm gì được Đức Giê-su không.
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay tường thuật về
phép lạ Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người bị bại tay phải. Tôi có thể tập trung vào hai điểm trong nhiều
điểm của bài đọc hôm nay để suy niệm trong giờ cầu nguyện này. Trước hết, tôi để ý câu: “Ở đó có một người bị khô bại tay phải.” Truyền thống nói rằng, Thánh Luca là một lương y, bởi trong những tường
thuật về những phép lạ chữa lành, Luca có một cách viết rất khác so với các
thánh sử khác. Ngài dùng những từ chuyên
môn của y bệnh và chú ý từng chi tiết nhỏ của căn bệnh, như một vị lương y. Chẳng hạn trong bài đọc hôm nay Luca viết rõ
là anh bị khô bại tay PHẢI, chứ không phải tay trái. Trong khi đó, Thánh
Mát-thêu cũng có trình thuật chữa lành này, nhưng chỉ viết: một người bị “bại một
tay” (Mt 12:9-14), không nói rõ bị bại tay nào, và Thánh Mác-cô còn viết vắn gọn
hơn: có người bị “bại tay” (Mc 3:1-6), không nói rõ bị bại một tay hay cả hai
tay! Tôi trở về với câu của bài đọc hôm
nay từ Phúc âm Luca: “Ở đó có một người bị khô bại tay PHẢI”. Theo văn hóa Do-thái thời bấy
giờ, tay trái là tay dùng cho những việc tế nhị trong nhà vệ sinh, chỉ có tay
phải là dùng nơi công cộng, như: ăn uống, diễn tả yêu thương, bắt tay, xã giao,
chỉ bảo, sửa dạy nhau. Thánh Luca nói là,
anh ta bị bại tay PHẢI, điều này có nghĩa là: bao lâu nay việc ăn uống, diễn tả
yêu thương, xã giao gặp nhiều giới hạn và khó khăn. Hôm nay, anh ta gặp Chúa Giêsu và Ngài đã
phục hồi chức năng tối cần thiết này của cánh tay cho anh ta. Từ nay, gân cốt của anh ta đã có thể co duỗi,
để ăn uống, để yêu thương, để giao tiếp với mọi người một cách thoải mái. Tôi có thể là một người lành lặn, không bại
liệt phần nào hoặc toàn thân. Đây là một
cái phúc lớn. Tôi muốn cám ơn Chúa về
một thân hình khỏe mạnh, một tinh thần minh mẫn nhờ vậy tôi có thể yêu thương,
liên đới với mọi người và xây đắp xã hội mỗi ngày một đẹp hơn.
2. Điểm thứ hai tôi có thể suy niệm trong bài đọc hôm nay, đó là: Tôi muốn
ngắm nhìn từng nhân vật trong bài đọc hôm nay.
Có mấy người bại liệt trong bài đọc hôm nay? Có phải chỉ có một anh bị khô bại tay
phải, hay cả những kinh sư và Pha-ri-sêu cũng bị bại, bởi Thánh Luca cũng nhắc đến sự hiện diện của họ trong trình thuật của ngài? Vì họ có tay, ấy thế mà chẳng diễn
tả yêu thương; họ có trái tim, ấy thế mà họ chẳng có lòng nhân; họ có mắt, ấy
thế mà chẳng nhận ra chân lý và sự thật; họ có miệng, ấy thế mà chẳng nói những
lời chữa lành; họ có đầu, ấy thế mà lại có suy nghĩ lệch lạc; họ có học, ấy thế
mà họ chẳng dùng luật để cứu người nhưng chỉ áp đặt luật như những gánh nặng
trên đời sống của người khác; họ đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, ấy thế mà chỉ
rình để chỉ trích Ngài. Vậy họ cũng bị bại liệt đấy chứ. Chỉ tiếc là họ không muốn Chúa Giêsu chữa lành cho họ. Tôi ngắm nhìn
những kinh sư và những người Pha-ri-sêu, đồng thời để ý, có điểm nào tôi rất
giống họ không? Tôi đang bại liệt ở
những phần nào? Tôi muốn sống và làm gì
khác so với họ? Tôi dám và muốn xin
Chúa Giêsu chữa lành không? Tôi để những
câu hỏi này dẫn tôi vào những góc cạnh sâu nhất của tâm hồn của tôi và phơi bày nó
trước mặt Chúa Giêsu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment