Tuesday, September 6, 2022

Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên – Năm C –7-9-2022

Thu Tu XXIII TN

Luca 6:20-26

20 Khi ấy, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng.  Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người.  Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.  Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. 22 Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.  Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25 Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26 Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được chia làm hai ý rất trõ ràng và tôi có thể tập trung suy niệm hai ý đó.  Thứ nhất, Chúa Giêsu nói đến bốn điều phúc.  Tôi có thể đọc lại những lời phúc này.  Nên nhớ, giầu không phải là tội, nghèo cũng chẳng phải là phúc.  Vậy, cái nghèo và cái giầu mà Chúa Giêsu nói ở đây là gì?  Tôi có thể hiểu rõ hơn điều Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay, nếu đối chiếu với những lời trong Phúc âm Mát-thêu (5:1-12); ở đó, Ngài nói đến cái nghèo tinh thần, cái nghèo vì Nước Trời, chứ không phải cái nghèo vật chất ở đời này.  Mặt khác trong thực tế, đâu phải người nghèo nào cũng thánh thiện, cũng tốt lành, và đâu phải người giầu nào cũng xấu xa.  Hơn nữa nhìn vào mọi mặt phát triển của Giáo hội, tôi sẽ thấy, đều đến từ những đóng góp không chỉ của những người nghèo mà của cả những người giầu, người góp công, người góp của, kẻ góp thời giờ, người góp tài năng.  Vậy, có khi nào tôi thấy đói, nghèo, khóc than vì Nước Trời mà tôi đã tạ ơn Chúa, bởi đó là phúc?  Có khi nào vì Chúa mà tôi bị bách hại đủ đường và tôi đã tạ ơn Chúa, bởi đó là phúc?  Tôi thường phản ứng như thế nào những lúc ấy?  Tôi tin và chấp nhận những lời Chúa nói trong bài đọc hôm nay như thế nào?  Tôi nói chuyện với Chúa về lòng tin của tôi. 

2.     Thứ hai, đối nghịch với bốn điều phúc, Chúa Giêsu nói đến bốn lời chúc dữ.  Tôi đọc lại những lời chúc dữ này và suy niệm.  Thật sự, giầu không phải là tội; đặc biệt, khi sự giầu có của tôi đến từ làm ăn lương thiện và từ mồ hôi nước mắt của chính tôi, thì không có gì sai.  Hơn nữa, trong Kinh Thánh vẫn coi giầu là một chúc phúc của Thiên Chúa, như tôi thấy ở Abraham và Vua Sa-lô-môn, họ được Thiên Chúa chúc phúc cho giầu đến nỗi, trước họ và sau họ không ai bằng.  Một lần nữa, Chúa Giêsu không có ý nói tự bản chất cái giầu là xấu, nhưng nói thái độ của tôi khi sử dụng vật chất.  Nhiều khi, tôi mới có được chút của ăn của để đã kênh kiệu, xấc láo, khoe khoang; hoặc, tôi rất nghèo nhưng vì sĩ, tỏ vẻ ta đây sang giầu, để tìm niềm vui và sự ngưỡng mộ của người đời, mà không hướng về Thiên Chúa.  Đây là thái độ giầu mà tôi cần phải xem lại.  Tôi có thái độ giầu theo kiểu Chúa Giêsu cảnh báo không?  Tôi khiêm nhường đặt mình trước mặt Chúa và muốn từ nay, chỉ tìm niềm vui bên Chúa mà thôi.  Như vậy, sự giầu có không đẩy tôi xa khỏi Thiên Chúa nhưng vẫn mở lối cho tôi vào thiên đàng mai sau.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Trao Dâng Thân Phận,” nhạc của Lm Dao Kim, lời từ Sách Châm Ngôn 30:7-9, do Dương Quyết Thắng trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=g0Z49jHiaF8

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment