Monday, February 27, 2017

Phương Pháp Cầu Nguyện Theo Thánh I-Nhã

Cầu Nguyện Theo Phương Pháp của Thánh Inhaxio
Phương Pháp Cầu Nguyện Theo Thánh I-Nhã
Áp Dụng Cho Cuộc Sống Cầu Nguyện Hằng Ngày
Năm 1983 tôi có dịp viếng thăm cha Pedro Arrupe nhiều lần. Trong những trao đổi thân mật giữa hai cha con, một hôm tôi hỏi ngài về đời sống cầu nguyện theo phương pháp của Thánh I-nhã và trình độ các cha thánh thiện thường đạt tới theo phương pháp đó. Ngài trả lời ngay là, Thánh I-nhã muốn tuân theo thánh ý Chúa trên hết mọi sự, và mục đích chính của đời sống cầu nguyện theo I-nhã là hiểu biết Chúa muốn tôi làm gì và mở lòng mình cho Thánh Ý Ngài, để tôi không chỉ hiểu biết mà còn ôm Thánh Ý Chúa vào lòng, đến khi Thánh Ý biến thành ý muốn của tôi.  Ngài cắt nghĩa thêm rằng: “Khi mới bước theo Chúa, chúng ta luôn luôn mang theo những ý riêng mình, kể cả lúc dấn thân phục vụ và vâng lời.  Ý muốn và ích lợi của riêng mình vẫn còn rất mạnh trong lòng chúng ta.  Tiến bộ trên đường kết thân với Chúa, nghĩa là từ từ coi nhẹ ý muốn riêng và lấy ý Chúa thành ước muốn và ý chính của chúng ta.”
Mọi Kitô hữu đều có thể thân mật cầu nguyện với Thiên Chúa.  Thánh I-nhã tin rằng mọi người đều có thể cảm nhận và kết thân với Thiên Chúa.  Theo Karl Rahner: “Sự đóng góp quan trong nhất của I-nhã cho Hội Thánh là ngài tin chắc rằng mọi Kitô hữu có thể trực tiếp cảm nhận Thiên Chúa một cách thuần tuý, và Thiên Chúa để dành hồng ân này cho mọi Kitô hữu.”  Nói một cách khác: Chúa muốn nói với tất cả chúng ta và mong chúng ta có thể hiểu Ngài.
Có một phương pháp cầu nguyện theo I-nhã không? Trong khoá Linh Thao, I-nhã chỉ cho chúng ta cách cầu nguyện. Nghĩ đến những lời hướng dẫn này, chúng ta có thể nói đó là phương pháp cầu nguyện theo I-nhã:
  1. Tìm nơi chốn thích hợp với từng kiểu cầu nguyện: vui buồn, suy hay chiêm niệm...
  2. Cách dùng tư thế ngồi, quỳ gối, đứng…
  3. Cách đọc, suy niệm và chiêm niệm một đoạn Kinh Thánh và một biến cố cuộc sống của Ðức Kitô.
  4. Biết trình bày những lời gợi ý cầu nguyện vừa ngắn gọn vừa thích hợp với tình trạng của mỗi người.
  5. Biết cách đương đầu với cám dỗ và phân biệt thần loại lúc gặp sầu khổ và an ủi.
  6. Biết xét gẫm và nhìn lại giờ cầu nguyện vừa xong.
Giản dị hoá đời sống cầu nguyện. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta không cầu nguyện được với một đoạn Kinh Thánh hay sách thiêng liêng nào cả. Rất có thể rằng lúc đó chúng ta cần một lối cầu nguyện tự do, giản dị và nghiền ngẫm hơn. Nhận xét đầu tiên về đời sống cầu nguyện theo I-nhã là, nếu áp dụng đúng phương pháp, đời sống cầu nguyện sẽ ngày càng giản dị, có tính cách chiêm niệm và thinh lặng. Còn nếu sau vài năm cầu nguyện theo một phương pháp nào đó, đời sống cầu nguyện chẳng có gì thay đổi, chúng ta cần xét lại lối cầu nguyện đó hoặc cách áp dụng phương pháp.
Muốn giản dị hoá đời sống cầu nguyện, điều quan trọng là biết tìm và hưởng những giây phút thinh lặng nghiền ngẫm, nhất là biết hiện diện trước mặt Thiên Chúa đang hiện diện trong lòng chúng ta. Muốn kết hiệp với Chúa như vậy, chúng ta cần ý thức mình đang sống như thế nào, sống cho ai, mình mong muốn gì. Sống ý thức và thành thật với chính mình là điều kiện cần thiết để hiện diện và kết hiệp với Chúa. (Phút Hồi Tâm có thể giúp chúng ta tiến lên trên đường này)
Khi cầu nguyện chúng ta nhắm mục đích gì? Nếu có sự biến đổi trong đời sống cầu nguyện, thì cũng có sự biến đổi trong mục đích chúng ta mong ước đạt tới. Lúc đầu, khi chúng ta muốn tìm kiếm Thiên Chúa và tâm tình với Ngài, thì có lẽ chúng ta chưa quen với tiếng nói của Ngài và chưa biết nhận ra những tác động trong tâm hồn mình. Thánh Gioan Thánh Giá nói: Thiên Chúa nói với chúng ta qua tác động trong tâm hồn. Sau một thời gian, chúng ta không cầu nguyện để tìm kiếm Thiên Chúa: Ngài đã tìm ra chúng ta rồi! Chúng ta cầu nguyện để Thiên Chúa ngày càng hiện diện trong cuộc sống chúng ta và chính chúng ta lại hiện diện nơi Ngài trong suốt cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Từ từ chúng ta biết cầm lòng cầm trí để nghiền ngẫm, có một tâm hồn tự do, trong suốt, biết tôn trọng nội tâm của mỗi người, không ép ai theo một phương pháp cầu nguyện quy tắc.
Tại sao thánh I-nhã cho rằng: trong một trăm người thường xuyên cầu nguyện, thì có chín mươi người theo ảo tưởng? Dù đều đều và trung thành để dành thời giờ cầu nguyện, chưa chắc chúng ta đang kết hiệp với Chúa Hằng Sống. Chính sự trung thành với phương pháp lại có thể biến thành mục đích của cầu nguyện. Làm như vậy, chúng ta trung thành một cách cứng nhắc. Sở dĩ cứng nhắc có lẽ là vì chúng ta chưa tin tưởng đủ là Thiên Chúa thương mến và ưa thích chúng ta.
Trung thành với Thần Khí. Ðức Kitô trung thành và đều đều cầu nguyện vì Ngài luôn mở lòng cho Thần Khí và tìm những gì đẹp lòng Chúa Cha. Cha muốn con làm gì? I-nhã cũng vậy: Spiritum ducentem sequebatur, non praeibat (I-nhã dõi theo sự hướng dẫn của Thần khí, chứ không đi trước). Chúng ta không nên đi trước Thần Khí. Ngài đóng vai trò chủ động khi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô. Sự đóng góp chính của chúng ta là mang mọi phạm vi của cuộc sống đặt dưới ảnh hưởng của Thần Khí. 
Vai trò của Thần Khí là nối kết chúng ta với Chúa Cha, với Ðức Kitô và với anh em trong tình yêu. Chính Thần Khí là tình yêu, và tình yêu biến đổi những ai được nối kết. Việc thánh hóa con người là những biến đổi mà Thần Khí tình yêu luôn luôn mang đến khi nối kết chúng ta với Thiên Chúa và anh em trong tình yêu. Thánh I-nhã có một sư phạm riêng để giúp con người mở lòng cho Thần Khí. Ðặc biệt trong Linh Thao ngài:
  • Cung cấp một nguyên lý nền tảng và chỉ ra giá trị của lòng bình tâm,
  • Dẫn đến ăn năn hối cải qua lòng thướng xót của Chúa,
  • Mời kết thân với Ðức Kitô với tình bạn thân thiết,
  • Chỉ cách chiêm niệm các mầu nhiệm cuộc sống Ðức Kitô,
  • Ý thức sự khác nhau giữa cạm bẫy của ma quỷ và chiến thuật của Ðức Kitô (Hai cờ hiệu),
  • Đo lường tình yêu qua các trình độ khiêm nhường (Ba trình độ Khiêm Nhường),
  • Mời chúng ta đối diện các đam mê còn đang ràng buộc trái tim mình (Ba loại người) ...
Ðiều quan trọng là chúng ta hỏi: Chúa muốn con làm gì? và để Thần Khí mở mắt tâm hồn và thúc đẩy chúng ta đi từng bước một cách thoải mái, vui vẻ, tự do, thật thà và biết ơn Chúa. I-nhã chú trọng đặc biệt đến lòng biết ơn. Ngài đã vượt qua lòng tham vọng và các nết xấu khác, nhất là qua lòng biết ơn.
Bằng chứng chắc chắn chúng ta cầu nguyện với Chúa Hằng Sống là chính đời sống thường ngày. Ðức Kitô nói: Qua hoa trái chúng ta biết cây. Chúng ta muốn tìm kiếm và nhận ra Thiên Chúa khắp mọi nơi. Chúng ta thực sự đang kết thân với Chúa qua cách chúng ta tiếp xúc với anh em, làm trọn bổn phận và biết xử dụng thời gian ngày càng vui vẻ và tràn đầy tình yêu.
Như vậy chúng ta nên cầu nguyện bao lâu? Năm 1554, cha Nadal báo cáo cho I-nhã ý muốn của tỉnh Tây Ban Nha muốn tăng thêm thời gian cho các thầy cầu nguyện. Cha I-nhã tha thiết đáp lại một người thực sự đang từ bỏ mình chỉ cần mười lăm phút để kết thân với Chúa trong cầu nguyện. Mỗi người cần để dành nhiều thời giờ cầu nguyện hay ít tuỳ mình và tuỳ hoàn cảnh đang sống. Ðôi khi cần 30 phút, khi khác nhiều thời giờ hơn. Ðiều quan trọng là suốt ngày và đều đều chúng ta 'ngưng và lắng nghe Thần Khí'. Làm như vậy Ngài sẽ biến đổi tận đáy lòng của mình nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô, ngày càng đồng tâm nhất trí với Thánh Ý Chúa Cha.

Eli Thành SJ

http://www.donghanh.org/main/05/tl-001.htm

0 comments:

Post a Comment