Wednesday, September 14, 2022

Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên – Năm C –15-9-2022 – Lễ Mẹ Sầu Bi

Thu Nam XXIV TN 

Gioan 19:25-27

25Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, tưởng nhớ đến nỗi lòng của Mẹ Maria, khi chứng kiến Con của Mẹ bị hành hình rất đau đớn và nhục nhã trên thập giá.  Tôi có thể dùng ngay hình ảnh này trong suốt giờ cầu nguyện hôm nay.  Tôi chiêm ngắm khuôn mặt của Mẹ để hiểu nỗi lòng của Mẹ, sự nên một của Mẹ với Con của Mẹ.  Mẹ Maria cũng như bao nhiêu người mẹ trong cuộc đời này, đều rất mực thương con.  Dân tộc nào cũng có không ít những lời tuyệt đẹp để nói về tình mẫu tử.  Chẳng hạn như, Erich Fromm (1900-1980), nhà xã hội học, tâm lý học và phân tâm học nổi tiếng người Đức, nói “Tình yêu của mẹ là hạnh phúc, là bình an.  Nó không cần phải đạt được, nó không cần được xứng đáng – Mother’s love is bliss, is peace.  It need not be acquired, it need not be deserved.”  Điều này có nghĩa là, tình yêu của mẹ phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa, mẹ yêu con vô điều kiện; tôi không cần phải đòi hỏi; tôi cũng chẳng làm gì để xứng đáng được mẹ yêu.  Mẹ yêu tôi vì bản chất của Mẹ sinh ra tôi để yêu tôi.  Dân gian Việt Nam cũng có những lời rất đẹp về tình mẫu tử, như: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ.  Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.”  Câu nói này có thể áp dụng cho tình yêu của Mẹ Maria đối với Chúa Giêsu: “Con dù lớn đến mấy vẫn là con của Mẹ.  Dù người đời có gọi Con là Chúa, vì bản chất của Con là Chúa, cũng vẫn là con của Mẹ.  Đi suốt cuộc đời lòng Mẹ vẫn theo Con.  Mẹ theo con đến tận chân thập giá để ở với Con.  Mẹ là của Con và Con là của Mẹ.”  Tôi muốn ở lại trong hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thập giá như bài đọc hôm nay nói.  Mẹ đã đứng đó bao lâu?  Mẹ đã khóc, đã đau buồn, đã thương con của Mẹ như thế nào?  Sư hiện diện của Mẹ chắc chắn đã an ủi và nâng đỡ con của Mẹ rất nhiều.  Như nhà văn nổi tiếng của Mỹ, Marion C. Garretty, năm nay đã 122 tuổi, nói về tình yêu của mẹ nâng đỡ con cái như sau: “Tình yêu của mẹ là chất liệu có thể làm cho một con người tầm thường làm được những chuyện phi thường – A mother’s love is the fuel that enables a normal human being to do the impossible.”  Xin cho những hình ảnh này in thật sâu đậm trong tôi.    

2.     Từ thập giá, Chúa Giêsu trao phó Mẹ cho môn đệ Ngài yêu và Ngài cũng trao phó môn đệ Ngài yêu cho Mẹ.  Kể từ đó môn đệ Ngài yêu đã đón Mẹ về nhà mình.  Đây là kiểu nói mang tính biểu tượng, để nói: Môn đệ Ngài yêu chính là Giáo hội đã đón Mẹ Maria làm mẹ của Giáo hội, cũng là mẹ của tôi.  Tôi muốn xin Mẹ giúp tôi hiểu và yêu mến con của Mẹ, như Mẹ yêu mến Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Mẹ Đứng Đó,” nhạc của Lm. Kim Long, do Ngọc Lan trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=-h5TMr_nbys

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment