Thursday, September 8, 2022

Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên – Năm C –9-9-2022 – Lễ Thánh Peter Claver SJ, Linh Mục

Thu Sau XXIII TN 

1 Cô-rin-tô 9:16-19, 22b-27

16Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm.  Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi?  Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. 19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người… 22bTôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

24Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải.  Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. 25 Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. 26 Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. 27 Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm bao gồm hai ý tưởng rất mạnh mẽ, có thể giúp tôi lớn lên rất nhiều trong đời sống đức tin.  Thứ nhất, Phao-lô chỉ cho tôi thấy, việc loan báo Tin Mừng là một bổn phận của mọi Kitô hữu.  Chính vì ý thức bổn phận này, Phao-lô đã làm mọi sự, trở nên mọi sự, trong mọi người để Tin Mừng được loan truyền đến tất cả.  Tôi đọc thấy gì ở đời sống và niềm tin của Phao-lô?  Tôi ý thức bổn phận Kitô hữu của tôi như thế nào?  Trong mọi nơi, ở mọi lúc với mọi người tôi đã tự hạ, tự hủy để được anh chị em cho Chúa Kitô như thế nào?  Tôi đọc lại bài đọc trên và soi chiếu đời sống đức tin của tôi bao lâu nay.

2.     Thứ hai, Phao-lô cho tôi một thái độ sống đức tin rất tích cực.  Chẳng biết từ bao giờ và do đâu, mỗi khi nói đến theo Chúa là người ta nghĩ ngay đến hai chữ “hy sinh,” hoặc “từ bỏ”!  Tệ hơn nữa, đằng sau hai chữ “hy sinh” hoặc “từ bỏ” là những bước lê nặng nề, là khuôn mặt nhăn nhó khổ sở, là tấm lòng uể oải và là một thái độ sống thụ động, trông đến tội nghiệp!  Tôi bỗng tự biến mình trở thành một Kitô hữu buồn!  Không những thế tôi dạy và bảo người khác cũng phải như tôi, biến cả giáo xứ thành cộng đoàn của những Kitô hữu buồn!  Nào là: tôi PHẢI hy sinh để đi lễ; tôi PHẢI hy sinh hãm mình trong mùa chay…  Nếu hy sinh mà chuyện PHẢI, đâu còn là hy sinh nữa.  “Hy sinh” đến từ lòng muốn, lòng ao ước, chứ không thể là điều bắt buộc.  Một lối sống đạo quá tiêu cực.  Phao-lô mời gọi tôi sống đức tin một cách tích cực.  Phải sống như một vận động viên điền kinh, tôi MUỐN ăn kiêng, tôi MUỐN tập luyện thường xuyên, tôi MUỐN sống có kỷ luật để tôi trở thành một vận động viên giỏi, đã chạy là phải tới đích trước nhất.  Có người nào thích thon gọn và đẹp mà họ lại nhăn nhó mặt mũi, mà họ lại có thái độ tội nghiệp đâu?  Ai cũng hăng hái, vui vẻ, quyết tâm, không ăn món này, không ăn thứ kia, muốn tập thể dục như thế này, muốn sống kỷ luật từ ăn uống đến ngủ nghỉ và làm việc sao cho có một thân hình khỏe mạnh và đẹp.  Ấy thế mà nhiều Kitô hữu, trong đó có thể có tôi, mở miệng là nói PHẢI HY SINH, rồi mặt xưng mặt xị, vì PHẢI đi lễ, PHẢI ăn chay…rồi kể công với Chúa, đòi Ngài phải trả công thiên đàng mai sau!  Tại sao không thấy, tôi MUỐN hoãn một tiệc vui, thức sớm một chút để đi lễ, vì ở đó tôi sẽ gặp được Thiên Chúa, chứ không phải người phàm, sẽ được đón nhận nhiều niềm vui còn lớn hơn cả bữa tiệc, giấc ngủ, và lại có tính vĩnh cửu nữa?  Tại sao không thấy việc ăn chay là một điều tôi rất muốn làm, chứ không phải làm vì sợ tội?  Bởi, khi ăn chay, tôi được chia sẻ và đồng cảm với những cảm nghiệm đói nghèo của biết bao anh chị em trên thế giới; tôi được liên đới và góp phần giúp người khác bớt khổ, bớt đói; tôi được cộng tác với Chúa làm cho xã hội xung quanh lành mạnh hơn, gia đình tôi êm ấm hơn, cuộc đời này đầy yêu thương hơn.  Sống đức tin, theo Phao-lô, là sống có mục đích, như võ sĩ một khi đã đấm là đấm những cú đấm chắc nịch vào đối thủ, chứ không đấm vào không khí.  Tôi đọc lại những suy tư của Phao-lô và đặt cho tôi một lối sống đức tin tích cực, mạnh mẽ và có mục đích.  Mục đích ấy phải có một chương trình, một phương án cụ thể để đạt được, nếu không mục đích ấy mãi mãi sẽ chỉ là mộng mơ.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment