Luca 16:19-31
19Khi ấy, Đức Giê-su nói với người
Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc,
ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo
khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm
được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh
ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần
đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu
cũng chết, và người ta đem chôn.
23“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông
ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô
trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ
Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước,
nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ 25 Ông
Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của
con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con
thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và
các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không
được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’
27“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì
con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28vì con hiện
còn năm người anh em nữa. Xin sai anh
đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ 29 Ông
Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị
đó.’ 30 Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không
chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám
hối.’ 31 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ
còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1. Hôm
nay đã là Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên, dấu chỉ cho tôi biết, cuối Năm Phụng Vụ
đã gần bên. Chính vì thế, các bài đọc,
dường như mang cùng một chủ đề về những gì sau cùng nhất của cuộc đời. Trong những ngày qua, các bài đọc từ Sách Giảng
Viên đã chỉ ra những cái rất thực của cuộc đời: mong manh, chóng qua, hay đổi
thay, nhưng chỉ có Thiên Chúa là bền vững.
Từ đó tác giả mời gọi tôi phải sống như thế nào cho có ý nghĩa và xứng
đáng với ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, bởi đây chính là những gì tôi sẽ phải trả lời với Chúa ở những giây phút cuối ngày và vào lúc cuối đời.
Bài đọc hôm nay cũng thế, hướng tôi về những ngày sau cùng nhất của cuộc
đời, khiến tôi phải tự hỏi: Tôi đã và đang sống như thế nào, để cuối ngày tôi cảm
thấy bình an, để cuối đời tôi thấy, tôi đã có một đời sống thật hạnh phúc, để khi gặp Chúa, Ngài mỉm
cười và hãnh diện về tôi, vì tôi đã sống một đời sống rất ý nghĩa, rất tròn đầy,
rất mãnh liệt?
2. Phúc
âm Luca được gọi bằng rất nhiều tên: Phúc âm của Cầu nguyện; Phúc âm của Bình đẳng
Nam Nữ; Phúc âm của Lòng Thương Xót; Phúc âm của Người Nghèo. Dường như tôi có thể bắt gặp một trong những
chủ đề này trong từng trang Phúc âm Luca.
Có một điểm đáng chú ý ở Phúc âm Luca, đó là: cầu nguyện và phục vụ là
hai chủ đề thường đi song song với nhau. Chẳng hạn như bài đọc hôm nay. Chúa Giêsu kể dụ ngôn La-da-rô và Viên Phú Hộ cho những người Pha-ri-sêu, vốn được xem là những người rất đạo đức nhưng lại thường dửng dưng trước những người bị loại ra bên lề trong xã hội. Cầu nguyện và phục vụ thật quan trọng và cần thiết.
Bởi cầu nguyện mà không gắn liền với phục vụ, là một sự ươn lười và là một
kiểu trốn đời. Nếu không phục vụ, không chắc tôi đã cầu nguyện với Chúa; có thể tôi đã chỉ cầu nguyện với chính tôi, tệ
hơn nữa, tôi đang cầu nguyện với quỷ. Nếu
phục vụ mà không cầu nguyện, tôi đã biến mình thành Chúa. Bao lâu nay tôi đã cầu nguyện như thế nào và
các giờ cầu nguyện đã thúc bách tôi hướng đến phục vụ những người
quanh rôi ra sao? Bài đọc hôm nay là một
dụ ngôn nổi tiếng trong Phúc âm Luca: La-da-rô và Người Phú Hộ. Cả cuộc đời La-da-rô đau khổ, đói nghèo và bị
hất hủi; trong khi đó, phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, chẳng nghĩ đến
ai. Nhưng, giầu cũng chết và nghèo cũng
chết; La-da-rô được lên lòng Abraham, còn phú hộ phải sa hỏa ngục. Lưu ý, toàn bộ dụ ngôn không hề lên án người
giầu, cũng chẳng khen người nghèo. Dụ
ngôn chỉ nhấn mạnh và lên án: lối sống vô cảm, ích kỷ, không biết thương người. La-da-rô, hình ảnh của những người nghèo vẫn
hiện diện rất gần, ngay trước cửa nhà tôi, gần đến nỗi, chó nhà tôi cũng làm bạn
với những người nghèo ấy, thế mà tôi không nhận ra sự hiện diện của họ. Giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại: Tôi đã
sống quảng đại ra sao? Ai đang là những La-da-rô
trong gia đình, trong cộng đoàn, nơi sở làm, giữa những bạn hữu của tôi? Tôi nghĩ Chúa phán xét tôi như thế nào khi
tôi dửng dưng với những La-da-rô quanh tôi? Từ bài đọc hôm nay, tôi muốn chọn lối sống
như thế nào? Leo Tolstoy (1828-1910), một
nhà văn nổi tiếng người Nga nói thế này: “Nếu bạn cảm thấy đau, chứng tỏ bạn
còn sống. Nhưng nếu bạn cảm được nỗi đau
của người khác, bạn là con người – If you feel pain, you’re alive. If you feel other people’s pain, you’re a
human being.”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment