Giảng Viên 1:2-11
2Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù
vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. 3 Lợi
lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? 4 Thế
hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5 Mặt
trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6 Gió
thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi;
gió trở qua trở lại lòng vòng. 7 Mọi khúc sông đều xuôi ra
biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông
chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. 8 Chuyện gì cũng
nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có
nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì
mới. 9 Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới
ánh mặt trời, nào có chi mới lạ? 10 Nếu có điều gì đáng cho
người ta nói: “Coi đây, cái mới đây này!”, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ
bao thế hệ rồi. 11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối
với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến
họ.”
(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Có lẽ ngày nay nhiều người đã rất quen
với kiểu nói được xem là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo, đó
là: “vô thường”. Theo Phật học, “vô
thường” là một trong ba tính chất của các sự vật hay còn gọi là Tam Pháp Ấn (ấn vô thường, ấn khổ và ấn vô ngã), ở
đó mọi sự đều phải trải qua bốn tiến trình chính, đó là: thành (hình thành), trụ
(tồn tại), hoại (lão hóa) và không (diệt). Nói chung, “vô thường” là nói đến tính không
chắc chắn, hay thay đổi, không vĩnh viễn trường tồn của các sự vật. Thế nhưng, đây có phải là triết lý riêng của
Phật giáo, hay còn là một sự hiểu biết chung trong kho tàng khôn ngoan của nhân
loại, mà bất cứ ai có óc quan sát và nhận xét về cuộc đời đều có thể nhận ra
tính vô thường của các sự vật? Có chăng,
Phật giáo đã đưa ra một phạm trù rõ ràng và đặt tên cho từng tiến trình vô
thường của sự vật. Không chỉ Phật
giáo, bài đọc trong Thánh lễ của Kitô giáo hôm nay, trích từ Sách Giảng Viên,
cũng nói đến sự bất định của sự vật, nhưng gọi bằng một tên khác, đó là: “Phù
vân” (Vanity); "phù” là trôi nổi, “vân”
là mây. Sách Giảng Viên được viết
ra vào khoảng thế kỷ 2 hoặc 3 TCN, vốn được xem là của Vua Sa-lô-môn, dưới bút
hiệu là Cô-he-lét. Tuy nhiên, nhiều học
giả ngày hôm nay không công nhận đây là sách của Sa-lô-môn. Sách Giảng Viên không phải là một quyển sách giáo khoa được trình
bày lớp lang, có hệ thống rõ ràng từ căn bản đến phức tạp, cho bằng, đây như là một
quyển nhật ký, ghi nhận tất cả những gì mắt thấy tai nghe về cuộc sống. Bởi vậy, để hiểu được nội dung Sách Giảng
Viên, tôi cần hiểu rõ tác giả Cô-he-lét.
Ông là con người mạnh mẽ, dám
nói, dám làm, dám suy nghĩ và can đảm tự vạch ra cho mình một con đường sống,
một con đường mà thường những người khác không dám theo. Ông cũng chẳng muốn theo lối mòn của người
khác, dù đó là truyền thống hay. Theo quan sát của ông, cuộc
đời này có thể ví như một con đường hầm đầy tăm tối, mà chẳng biết khi nào mới
thấy ánh sáng ở cuối đường. Cứ thế,
Cô-he-lét, cũng như bao nhiêu người khác, phải mò mẫm, dò dẫm và bước đi, gặp
gì nói nấy, quan sát mọi điều, nói lên mọi sự một cách thành thực, từng ngày
từng ngày một. Có lẽ vì tính thành thật
và trung thực ghi nhận từ những quan sát trong cuộc sống mà ông bị gán thuộc
đủ mọi thứ học thuyết. Chẳng hạn, độc giả có thể thấy rất rõ một chủ đề xuyên
suốt và lập lại nhiều lần trong toàn bộ tập Sách Giảng Viên, đó là: “Phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù
vân.” Chính bởi câu này mà nhiều
người cho rằng, tác giả Cô-he-lét là một người thuộc thuyết bi quan. Bởi bầu khí bi quan bao trùm trên toàn bộ tác
phẩm, như ở một chỗ khác trong sách, ông than: “Tất cả chỉ là phù vân, là công dã tràng xe cát” (1:14), và “càng nhiều khôn ngoan, càng
nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau” (1:18). Người ta còn cho rằng, ông là người theo chủ
thuyết duy vật khoái lạc, khi viết: “Con người chẳng hơn gì thú vật”, cả
hai đều “cùng chung một số phận” (3:19). Từ đó ông cho rằng, cuộc đời này hy sinh làm
chi, chịu khổ làm gì, và cuộc đời này còn gì hạnh phúc hơn là, hãy: “Cứ ăn,
cứ uống, cứ vui hưởng, cứ vui vẻ thoải mái...” (2:24-25; 3:12, 22; 5:17-19;
8:15; 9:7-10; 11:8-10). Cũng có người nghĩ,
ông theo thuyết định mệnh. Người nào có
số phận của người đó, không ai cưỡng lại được. Bởi, “cái gì đã cong, uốn làm sao nổi, cái
gì đã thiếu, đếm làm sao ra?”, và những gì “Thiên Chúa đã bẻ cong, nào
ai uốn thẳng được?” (1:15; 7:13).
Lại cũng có người cho ông thuộc thuyết bất khả tri, khi ông lập lại
nhiều lần câu nói: “Con người không sao biết được” (3:11, 22; 6:12; 7:14;
8:7,17; 9:12; 10:14; 11:5). Vậy nét
độc đáo của sách Giảng viên nằm ở đâu?
Sách này có đáng cho tôi đọc và cầu nguyện không? Sách này giúp tôi sống đức tin như thế nào? Đây là một tác phẩm lớn trong kho tàng Kinh
Thánh Kitô Giáo và kho tàng văn chương thế giới, lớn không phải vì số lượng cho
bằng chất lượng. Toàn bộ tập sách cho
tôi một cái nhìn về cuộc sống. Cuộc sống
này không phải là một vấn đề để giải
quyết mà là một mầu nhiệm để sống, được Thiên Chúa dựng nên từ sự tốt lành và
quan phòng của Ngài. Từ niềm tin vào
Thiên Chúa như vậy, tôi cần phải vận dụng lý trí và tất cả sức lực của mình để sống,
để tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, một cách thành thực, không mặc cảm, không che
giấu, không sợ sệt.
2.
Tôi đọc lại nhiều lần bài đọc trên và
dừng lại ở những câu nào tôi tâm đắc nhất.
Tại sao câu đó lại tâm đắc với tôi?
Câu đó đang nói gì với tôi trong lúc này? Có một kinh nghiệm buồn, một vết thương, một
mặc cảm nào đã giữ chân tôi, đã làm cho tôi mất vui, mất tự do, mất ý lực để
sống? Câu nói tâm đắc ấy có thể giúp
giải thoát tôi như thế nào? Tôi ngồi bên
Chúa, Đấng Hằng Hữu, Bất Biến, để giúp tôi biết bám víu lấy Ngài, hơn là bám víu
vào những cái bất định bao lâu nay. Tôi
kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Phù Vân,” của Xuân Đường, với sự
trình bày của Hiền Thục, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=ImLANGzypMA
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment