1 Cô-rin-tô 12:12-14, 27-30
12Thưa anh em, ví như thân thể người ta chỉ
là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều,
nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật
thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều
đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng
ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. 14 Thật vậy, thân
thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi… 27 Vậy
anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. 28 Trong
Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là
các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ,
được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói
các thứ tiếng lạ. 29 Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy
dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm
phép lạ, 30ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai
cũng giải thích được các tiếng lạ sao?
(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Từ chốn tù đầy, Thánh Phao-lô vẫn hướng về cộng
đoàn của ngài và lo lắng cho sự đoàn kết trong cộng đoàn. Một tâm tình rất đẹp và một hình ảnh đầy thuyết
phục mà Phao-lô đã trao gởi trong bài đọc hôm nay: mọi người được ví như từng
thành phần trong chi thể của Chúa Kitô. Có khi nào tôi nghĩ về tương quan giữa tôi với
cộng đoàn, giữa tôi với gia đình như Phao-lô nghĩ về cộng đoàn? Những khi giáo xứ, cộng đoàn, gia đình tôi có
việc gì, hoặc ai đó gặp khó khăn, tôi đã nghĩ và đã làm gì những lúc ấy, hay tôi
chỉ nghĩ “đèn nhà ai nhà ấy sáng”, hoặc “thân ai người ấy lo, sống chết mặc bay”? Tôi nghĩ Chúa hài lòng như thế nào về thái độ
của tôi đối với gia đình và cộng đoàn?
2.
Thánh Phao-lô nói đến những đặc sủng Thánh Thần
được ban cho từng người, mỗi người mỗi kiểu, mỗi người mỗi khác, nhưng hỗ tương
cho nhau để làm nên một Giáo hội tuyệt đẹp.
Giờ cầu nguyện này, tôi để ý đến những tài năng, những món quà Chúa đã đặt
để trong đời sống của tôi, tôi đã trân quý và sử dụng chúng ra sao, hay tôi so
sánh rồi ganh tị, mong được những cái của người khác có, còn những gì Chúa cho
tôi, tôi lại chẳng thèm? Tôi cũng để ý
những thành quả tôi đã đạt được từ những đặc sủng Thánh Thần đã ban cho tôi,
chúng đang làm phát sinh những điều tốt lành trong cộng đoàn và xã hội như thế
nào? Thân thể Chúa Kitô được lành mạnh
nhờ những gì tốt lành trong tôi, tôi để ý Chúa Kitô đang hạnh phúc về tôi như
thế nào? Tôi muốn cám ơn, hay muốn xin lỗi
Chúa điều gì lúc này?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment