Thursday, September 22, 2022

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên – Năm C –23-9-2022

Thu Sau XXV TN

Giảng Viên 3:1-11

1Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
2một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
3một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
4một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
5một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
6một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
7một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
8một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

9Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? 10 Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. 11 Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc.  Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm qua và bài đọc hôm nay đều được trích từ Sách Giảng Viên, một tập sách thuộc kho tàng văn chương khôn ngoan của nhân loại.  Bài đọc hôm qua, mặc dù nói đến những cái bất định của cuộc đời, Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân”, nhưng tác giả Cô-he-lét tô vẽ chúng bằng một gam mầu rất ảm đạm và đầy bi quan.  Trong khi đó, cũng cùng tác giả ấy, bài đọc hôm nay cũng nói đến những cái thiên biến vạn biến ấy, Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế…”, nhưng lại trải dài sự thật bằng những cung bậc của thanh âm đầy hy vọng.  Như vậy tác giả Cô-he-lét muốn nói gì?  Tác giả dường như muốn nói với tôi rằng, thực tế cuộc đời ở đâu và thời nào cũng thế, vẫn thiên biến vạn biến, nhưng đau khổ hay không là tùy ở cách nhìn của tôi.  Nói như David Kessler, là một nhà văn và nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ, đồng thời cũng là chuyên gia về sự chết và đau khổ, nói: “Đau đớn là điều không thể tránh khỏi, nhưng đau khổ là một lựa chọn – Pain is inevitable; suffering is optional.”  Đúng vậy.  Đau đớn là những gì xảy đến trong cuộc sống mà phần nhiều không do tôi chọn; trong khi đó đau khổ luôn là điều tôi chọn, thậm chí tôi tạo ra.  Chẳng hạn, người mẹ nào cũng không thể tránh khỏi đau đớn khi sinh con, nhưng không vì thế mà họ đau khổ, hoặc không phải ai cũng đau khổ.  Hoặc, có những người mẹ sinh con không một đau đớn gì, nhưng họ lại rất đau khổ.  Một bệnh nhân phải trải qua những ca mổ nghiêm trọng và lâu giờ, đau có, sợ có, nhưng đau khổ thì không.  Như vậy, đau đớn thuộc về thể xác, còn đau khổ thuộc về tinh thần.  Đau đớn đến từ trải nghiệm về thể lý, còn đau khổ đến từ suy diễn của cái trí.  Tôi muốn theo sự hướng dẫn của tác giả trong bài đọc hôm nay, điểm qua những thiên biến vạn biến trong cuộc đời, đặc biệt những gì đã và đang xảy đến cho tôi và tìm một cách hiểu sao cho bớt đau khổ, đồng thời cũng đầy hy vọng.

2.     Ở phần hai của bài đọc hôm nay, tác giả đặt một câu hỏi mang tính thức tỉnh: “Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì?” Mục đích của câu hỏi này không phải để làm cho tôi sợ hãi và chán nản, nhưng là để nhận thức thực tế về mục đích cuối cùng của cuộc sống.  Đây là một câu hỏi có định hướng, đòi tôi phải suy nghĩ và phải trả lời.  Cuộc đời tôi khổng thể như con dã tràng xe cát, nhưng phải có một ý nghĩa.  Tôi chỉ có thể tìm được câu trả lời đúng nhất khi nhìn về Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài và là chủ thể của vạn vật.  Vậy, phẩm chất và mục đích sống của tôi lúc này là gì?  Một ngày sống của tôi dành cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Hằng và Bất Biến, hay tôi đang tìm kiếm một thứ khác mà tôi không chắc sẽ có, hoặc có thể sẽ chẳng có mãi?  Tôi có luôn giữ liên hệ với Thiên Chúa của tôi mật thiết đến nỗi, bất kể điều gì xảy ra và khi nào, tôi sẽ chạy đến với Ngài, hiệp nhất nên trọn với Ngài?  Tôi về bên Chúa trong lúc này, ngắm nhìn Ngài, trải ra tất cả những gì là khắc khoải trong tôi và xin được Ngài giúp đỡ.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Còn Gì Dâng Ngài” sáng tác của Phanxico, do Triệu Ngọc Yến trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=25NTejFPtxk

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment