Luca 4:1-13
1Đức Giê-su được
đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. 2
Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và
chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày
ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Khi ấy quỷ nói với Người: “Nếu ông
là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã
có lời chép rằng: Người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh.”
5Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong
giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông
toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy
đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7
Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” 8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời
chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa
là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
9Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và
đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì
đứng đây mà gieo mình xuống đi! 10 Vì
đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ
truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11
Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay
đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 12
Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của
ngươi.”
13Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ
đợi thời cơ.
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một trong những câu chuyện rất nổi
tiếng và quan trọng trong Kinh Thánh Tân Ước: Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ trong
hoang địa. Đây không hẳn chỉ là câu
chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ hóa đá thành bánh ăn, phủ phục nó, hoặc nhảy lầu,
đây là câu chuyện cám dỗ về căn tính của Chúa Giêsu. Thánh Luca mở cầu trình thuật này bằng câu: “Đức Giê-su được
đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.” Có nghĩa là, Chúa Giêsu vừa mới chịu phép rửa. Trong biến cố phép rửa ấy, trời đã mở ra và tiếng
Chúa Cha phán với Chúa Giêsu: “Con là Con
của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” (Lc 3:21-22). Sau đó Luca viết tiếp gia phả của Chúa Giêsu,
trở ngược về tới người đầu tiên của nhân loại là A-đam. Luca viết: “A-đam là con của Thiên Chúa” (Lc
3:38). Như vậy, không chỉ khi lãnh phép
rửa mà cả trong gia phả loài người, căn tính của Chúa Giêsu vẫn là Con Thiên
Chúa. Hôm nay, ma quỷ đã cám dỗ căn tính
của Chúa Giêsu, nó nói: “Nếu ông là
Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi (cám dỗ về quyền năng)…,
phủ phục ta đi (cám dỗ về thần tượng)…, nhảy xuống khỏi thành đi (cám dỗ về danh
vọng)!” Nhưng Chúa Giêsu đã không
làm như nó dụ dỗ. Nếu Chúa Giêsu làm,
Ngài đã phủ nhận căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa, để mang căn tính giả tạo
của nó. Nếu ma quỷ dám cám dỗ Chúa Giêsu,
chắc chắn nó cũng không tha tôi. Là một Kitô
hữu, căn tính của tôi là con cưng của Chúa.
Thế nhưng trong cuộc sống, tôi thường bị ma quỷ cám dỗ mang căn tính
nào? Căn tính của tôi có còn là con cưng
của Chúa, hay căn tính của tôi là ở cái tôi làm? Ở cái tôi có?
Ở cái người ta nói tôi là? Ở cái
tôi muốn? Tôi đã chiến thắng hay chiến bại
như thế nào trong những cơn cám dỗ ấy?
Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ bằng cách trở về với Kinh Thánh, nương tựa
ở Chúa Cha. Tôi thường nương tựa ở ai và
ở đâu để chiến đấu với cám dỗ? Tôi nói
chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này.
2.
Luca kết thúc trình thuật cám dỗ bằng câu rất
quan trọng: “Sau khi đã xoay hết cách để
cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.”
Như vậy, ma quỷ vẫn không chịu thua, chúng luôn tìm dịp để cám dỗ tiếp. Quả thực, ma quỷ đã trở lại! Nếu nó đã cám dỗ Chúa Giêsu rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà
gieo mình xuống đi!”, nó đã trở lại và cám dỗ Ngài cũng với kiểu cám dỗ cũ,
khi Ngài đang bị treo trên thập giá, nó nói: “‘Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn
là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!’…, ‘Nếu ông là vua
dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!’" (Lc 23:35-37). Câu
chuyện này cho tôi thấy hai điều rất thật về cám dỗ: Thứ nhất, ma quỷ rất tinh
vi và quỷ quyệt. Đừng bao giờ coi thường
nó và cũng đừng bao giờ đùa cợt với cám dỗ.
Bởi không dễ gì có thể thắng được nó, nếu tôi không nương tựa vào
Chúa. Thứ hai, cám dỗ là một vấn đề có
thực và phải chiến đấu liên tục, suốt cuộc đời.
Nói như Robert G. Ingersoll (1833-1899), nhà văn và luật sư nổi tiếng
người Mỹ: “Cám dỗ dày đặc như lá rừng, và không một ai có thể thoát khỏi tầm với
của nó, trừ khi đã chết -- Temptations are as thick as the leaves of the
forest, and no one can be out of the reach of temptation unless he is dead”. Bí
quyết để thắng mọi cám dỗ là cầu nguyện, là bám lấy Chúa. Tôi muốn ngồi bên Chúa Giêsu trong giây phút
này, chia sẻ với Ngài những cám dỗ tôi thường gặp, về những phương thức chống
trả cám dỗ bất thành của tôi bao lâu nay, và xin Ngài giúp đỡ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment