Luca 18:9-14
9Khi ấy, Đức Giê-su
kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê
người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người
kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng,
nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ
khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con
ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của
con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí
chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên
Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho
các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính
rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai
tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Ôi, bài đọc hôm nay mới thực tế làm
sao! Dụ ngôn Chúa Giêsu kể như đụng vào
thật sâu trong cõi lòng của tôi: tính tự kiêu.
Tự kiêu ai cũng có và rất dễ thể hiện ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ
ai. Chúa Giêsu hôm nay cảnh báo tính tự
kiêu ấy thể hiện cả trong cầu nguyện, dám khoe cả với Thiên Chúa! C.S. Lewis (1898-1963), ông là một tác giả
Kitô lừng danh người Anh với nhiều tác phẩm có tính thần học nổi tiếng như: The Screwtape Letters, The Chronicles of
Narnia, The Space Trilogy, Mere Christianity, Miracles và The Problem of Pain. Ông cũng nói về tự kiêu như sau: “Tự kiêu là chứng ung thư tâm hồn: nó
gặm nhấm chính khả năng yêu thương, sự hài lòng, hoặc thậm chí cả sự hiểu biết
tối thiểu của con người -- For pride is
spiritual cancer: it eats up the very possibility of love, or contentment, or
even common sense.” Nếu tôi chẳng ưa
gì những người thích khoe khoang, Thiên Chúa cũng nôn mửa với những người có
tính tự phụ. Tôi đọc lại dụ ngôn trên và
để ý xem tính tự phụ, lòng tự kiêu lớn mạnh như thế nào trong tôi. Tôi thường thể hiện tính tự kêu này ở những
nơi đâu và với những ai? Nó đã hủy hoại
hoặc ngăn cản tôi kết thân với những người xung quanh và với Chúa như thế
nào? Tôi thường có thái độ tự kiêu này
với Chúa như thế nào? Thái độ tự kiêu
làm cho tôi không thể khiêm nhường trước người khác đã đành, nó còn làm cho tôi
không biết khiêm nhường trước mặt Chúa, thậm chí đuổi Ngài ra khỏi tâm hồn tôi.
2. Tôi đọc lại dụ ngôn trên và để ý Chúa Giêsu
yêu quý loại người nào trong dụ ngôn.
Ngài cũng đang nói gì với tôi qua dụ ngôn này? Mùa Chay là mùa mời gọi tôi trở về. Tôi sẽ không thể trở về nếu tôi tự hào rằng
mình hoàn hảo, chẳng cần trở về, chẳng có gì cần phải thay đổi, và cũng chẳng
cần Chúa. Tôi lấy giây phút này để xét
mình.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment