Wednesday, March 16, 2022

Thứ Năm Tuần II Mùa Chay – Năm C –17-3-2022

Thu Nam II MC

Luca 16:19-31

19"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã trở thành quen thuộc với nhiều Kitô hữu, câu chuyện La-da-rô và người phú hộ.  Trước hết phải nói ngay rằng, bài đọc hôm nay không có ý lên án sự giầu có mà cũng chẳng ca ngợi sự nghèo khó.  Bởi giầu không phải là cái tội và nghèo không phải là cái phước.  Bài đọc hôm nay lên án sự dửng dưng của con người với đồng loại.  Bài này đề cập đến một trong những thực hành quan trọng của Mùa Chay: thực thi bác ái và liên đới với tha nhân.  Tôi muốn đọc lại câu chuyện trên và tự hỏi: Ai là người nghèo và ai là người giầu quanh tôi?  Họ đã ở bên tôi từ bao giờ?  Tôi đối xử với họ ra sao?  Là con người, ai cũng có những nhu cầu như: thể lý, sinh lý, xã hội, tâm lý và tâm linh.  Bởi thế cái giầu nghèo mà bài đọc hôm nay nói đến không chỉ dừng ở những nhu cầu vật chất thể lý, tôi có thể liên tưởng đến những cái giầu nghèo khác -- xã hội tính như: tình gia đình; tâm lý tính như: sự quan tâm, ân cần, lắng nghe, cảm thông; tâm linh như: niềm tin, ý nghĩa cuộc đời.  Nhìn như vậy tôi mới thấy giầu nghèo luôn ở quanh tôi.  Tôi có thể là một người giầu.  Cha mẹ già, vợ, chồng, con cái, hàng xóm của tôi có thể rất giầu về tiền bạc, nhưng lại rất nghèo do cô đơn, không được cảm thông, không được lắng nghe, không có được sự hiện diện và ân cần chăm sóc của tôi.  Leo Tolstoy (1828-1910), một văn hào người Nga nói, “Nếu bạn cảm thấy đau, chứng tỏ bạn còn sống; nếu bạn cảm thấy nỗi đau của người khác, bạn là con người -- If you feel pain you’re alive, if you feel other people’s pain, you are a human being.  Trong giây phút này, tôi hỏi Chúa và để ý Ngài sẽ sai tôi đến với những ai và làm những gì trong ngày hôm nay và Mùa Chay này?  

2.    Điểm kết của bài đọc hôm nay thật kinh sợ.  Sự vô cảm của con người đến mức chai lì mà đến cả Áp-bra-ham, Mô-se, các tiên tri và cả những người chết hiện về để thức tỉnh con người, kêu gọi con người liên đới với nhau, người ta vẫn không một chút rung cảm!  Sự vô cảm của con người càng ngày càng gia tăng, trong đó có tôi, trước những tiếng khóc của trẻ thơ bị cắt từng mảnh ngay khi còn trong bụng mẹ, đó là tiếng gào thét của biết bao nhiêu trẻ em bị lạm dụng và hãm hại về thể lý, tâm lý, tính dục, biết bao nhiêu thanh thiếu niên không được yêu thương và thông cảm khiến chúng phải lang thang đầu đường xó chợ, phải tự tử, biết bao nhiêu những thiếu nữ khóc dài trong đêm vì bị bán làm nô lệ tình dục, biết bao nhiêu những người di dân và tị nạn không tìm được đất sống, bị chết trên đồng hoang làm mồi cho thú dữ, biết bao nhiêu cha mẹ già cô đơn, sống trong lo sợ bị bỏ rơi hoặc lo bị làm cho chết một cách êm dịu.  Lần gần đây nhất mà tôi cầu nguyện và nặng trĩu lòng quan tâm cho một trong những người nghèo trên là khi nào?  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn xin cho được ơn thấu cảm những khổ đau của những người nghèo dưới mọi hình thức quanh tôi và muốn làm một điều gì đó cụ thể trong ngày hôm nay và trong Mùa Chay này.  Elie Wiesel (1928-2016), một văn sĩ Mỹ gốc Romani, người đã từng đoạt giải Nobel và là tác giả của 57 quyển sách, đồng thời là người sống sót từ cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã, nói: “Đối nghịch với tình yêu không phải là sự ghét bỏ, mà là sự dửng dưng.  Đối nghịch với nghệ thuật không phải là xấu xí, mà là sự dửng dưng.  Đối nghịch với đức tin không phải là dị giáo, là sự dửng dưng.  Và đối nghịch với sự sống không phải là cái chết, đó là sự dửng dưng -- The opposite of love is not hate, it’s indifference.  The opposite of art is not ugliness, it’s indifference.  The opposite of faith is not heresy, its’ indifference.  And the opposite of life is not death, it’s indifference.”  Tôi để lời Chúa và lời của Elie Wiesel định hướng cho ngày sống của tôi hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment