Tuesday, March 22, 2022

Thứ Tư Tuần III Mùa Chay – Năm C –23-3-2022

Thu Tu III MC

Mát-thêu 5:17-19

17Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.  Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.  Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lề luật luôn có một giá trị nhất định.  Không một tổ chức nào trên trần gian mà không cần lề luật, kể cả những tổ chức tội phạm cũng có những luật của nó, dù đó là luật rừng.  Hơn nữa, Luật Mô-sê là những thiết định giúp duy trì trật tự xã hội, trong đó mọi người biết tôn trọng quyền lợi của những người xung quanh, và học biết cách ăn ngay ở lành, biết quan tâm đến nhu cầu của tha nhân.  Bởi thế, Chúa Giêsu không bãi bỏ những Luật này, Ngài muốn kiện toàn chúng.  Kiện toàn là đem luật trở về đúng với mục đích của nó được tạo ra: phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ lề luật.  Tôi có nhận thấy tôi đã rất lệ thuộc vào lề luật và làm tôi cho lề luật?  Tôi xin Chúa giúp tôi được tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ cho lề luật bao lâu nay.  Plato (424-347 TCN), một triết gia lỗi lạc Hy-lạp, tầm cỡ thế giới, nói: “Người tốt không cần luật nói cho biết phải hành xử như thế nào cho có trách nhiệm, trong khi đó người xấu tìm đủ mọi cách luồn lách luật pháp để trốn trách nhiệm -- Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.”

2.      Abraham Harold Maslow (1908-1970), tâm lý gia nổi tiếng của Mỹ và là người đã phát triển thuyết về Thang Bậc Những Nhu Cầu Nhân Sinh, trong đó ai cũng có những nhu cầu: trước là thể lý, sau là tâm lý và cuối cùng là tâm linh.  Bao lâu người ta vẫn còn bôn ba với những nhu cầu về thể lý và tâm lý như: ăn, uống, ngủ nghỉ, công ăn việc làm, kết bạn, ái ân, sinh con đẻ cái, danh vọng và quyền lực, người ta sẽ mãi còn lệ thuộc ở lề luật và làm tôi cho lề luật.  Người ta chỉ thật sự được tự do và khôn ngoan dùng luật pháp, thậm chí dám thay đổi luật pháp để phục vụ con người, dám đứng lên chống lại mọi sai trái trong xã hội, dám thể hiện mình, khi họ đạt đến những nhu cầu về tâm linh.  Nhưng, trong loài người chẳng có mấy ai đã đạt đến mức độ tự do tâm linh mà Maslow đã nói.  Tự do nội tâm cũng chính là đỉnh cao của hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, đó là: Ngài dẫn tôi đến sự tự do đích thực, nơi đó tôi gặp được Chúa.  Chính tự do đích thực mới giải thoát tôi (Ga 8:31), và chỉ những người nào thuộc về sự thật mới nghe theo Chúa Giêsu (Ga 18:37).  Tôi xin Chúa cho tôi dám ước mơ tự do và dám đi theo tiếng gọi tự do của Chúa.  Hành trình tự do này đầy khó khăn và thách đố, nhưng trước nhất luôn phải bắt đầu bằng một thái độ và quyết tâm từ nhỏ trong ngày hôm nay.  Tôi ngồi bên Chúa Giêsu để được dạy bảo, để được giúp đỡ trên hành trình đi tìm tự do đích thực.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment