Mát-thêu 18:21-35
21Khi ấy, ông Phê-rô
đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con,
thì con phải tha đến mấy lần? Có phải
bảy lần không?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến
bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. 23 Vì thế, Nước Trời
cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán
sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến
một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để
trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy
giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại
cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy
liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng
vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan
tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo:
‘Trả nợ cho tao!’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình
xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả
anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho
đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các
đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu
chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy
tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì
đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương
xót ngươi sao?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y
cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy
vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người
trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Có một nghịch lý trong cuộc sống, đó
là: Tôi thường muốn được tha thứ, nhưng tôi lại không muốn tha thứ. Đặc biệt, tôi rất muốn và cầu xin Chúa tha
thứ cho tôi, nhưng tôi lại rất khó tha thứ cho người khác. Bài đọc hôm nay làm rõ cái nghịch lý này
trong tôi. Tôi muốn được tha thứ bởi nó giúp
chữa lành tôi; đặc biệt, nó giúp tôi trở thành người, một con người tự do. Phê-rô trong bài đọc hôm nay dám tha thứ đến
bảy lần, có vẻ rộng rãi hơn quan niệm của người Việt Nam: “Quá tam ba bận!” Tuy nhiên,
Chúa Giêsu đòi hòi ông phải tha thứ nhiều hơn thế: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy,” tức
là tha thứ mãi mãi, tha thứ luôn luôn, giống như Chúa. Một người nào đó đã nói: “Chúng ta sẽ như thú
dữ khi chúng ta giết người; chúng ta sẽ như con người khi chúng ta xét đoán,
nhưng chúng ta sẽ như Thiên Chúa khi chúng ta biết tha thứ -- We are like beasts when we kill. We are like human beings when we judge. We are like God when we forgive.” Có một tổn thương nào khiến tôi không thể tha
thứ trong lúc này? Tôi muốn xin Chúa giúp
tôi can đảm dám tha thứ để được chữa lành.
Tôi có thật sự tự do khi không muốn tha thứ? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu, Đấng luôn luôn
tha thứ, để có được sức mạnh dám tha thứ và để tôi được thực sự tự do.
2. Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cũng chỉ ra rằng, tha thứ là dấu chỉ của một tâm hồn mạnh mẽ và là một quá trình mà, nếu thực tập mỗi ngày sẽ giúp cho người ta có một sức khỏe tốt và tuổi thọ cao. Tha thứ đóng vai trò bảo vệ người ta khỏi mắc những vấn đề về sức khỏe tâm lý cũng như thể lý. Những quan niệm sai lầm về tha thứ có thể là rào cản trong việc duy trì một sức khỏe tốt. Trong khi đó, ích lợi của tha thứ rất quan trọng, trước nhất đối với người bị hại, chứ không phải đối với người hại. Không tha thứ đúng, hoặc không muốn tha thứ người ta tự biến mình trở thành một thứ động vật nhai lại, cứ nhai đi nhai lại mãi những tổn thương trong quá khứ, khiến chúng chẳng thể nào lành; đồng thời tức giận, lòng báo thù, nỗi oán hận sẽ càng ngày càng gia tăng, dẫn đến những tác hại về tâm lý và thể lý như: lo lắng, trầm cảm, tăng huyết áp, giảm hệ thống miễn dịch và viêm động mạch. Tha thứ thực sự là con đường giải thoát, không chỉ dẫn tôi đến gần Chúa mà còn giúp tôi nếm cảm được thiên đàng tại thế, nơi tôi sẽ cảm thấy thanh thản, khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc về mọi mặt tâm linh, tâm lý, thể lý và xã hội. Tôi đọc lại dụ ngôn trên của Chúa Giêsu và xin ơn giải thoát khỏi mọi báo thù. Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời “Kinh Lạy Cha,” lời kinh dạy tôi hãy biết tha thứ như Chúa hằng tha thứ cho tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment