Mác-cô 12:38-44
38Khi ấy, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su
nói với đám đông dân chúng rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa
dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những
nơi công cộng. 39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường,
thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản
của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ
bị kết án nghiêm khắc hơn.”
41Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền
dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát
xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có
lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá
nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức
Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này
đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người
đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại
còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.”
(Trích
Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay bao gồm hai phần phân
biệt rõ rệt, nhưng được nối với nhau bằng một hình ảnh: bà góa nghèo. Có lẽ ở thời đại nào và văn hóa nào cũng thế,
đặc biệt văn hóa cộng đồng như văn hóa Việt Nam, việc “giữ gìn mặt mũi” để khỏi
“mất mặt” luôn là vấn đề lớn. Vì sợ mất
mặt, nên đã hình thành những lối sống giả tạo, những chứng bệnh sĩ, bệnh bằng cấp, bệnh giấy khen, bệnh thấy sang bắt quàng làm họ, bệnh háo danh, bệnh phô trương bằng chững cổng chào lộng lẫy, bệnh sính ngữ như: thích dùng những lời hoa mỹ đầy sáo rỗng...
Dù đại dịch covid chưa xuất
hiện và chưa có luật phải đeo mặt nạ mỗi khi đến chỗ đông người, thế nhưng, ai cũng đeo đủ mọi thứ "mặt nạ" mỗi khi ra đường! Chẳng
hạn, dù nhà nghèo cơm không đủ ăn, nhưng cứ đến giờ ăn hò la quát mắng con cái dọn cơm món này món kia để hàng xóm nghe tưởng nhà mình giầu, ngày nào cũng ăn toàn những món sang trọng; dù con cái làm những chuyện trái với luân lý xã hội,
nhưng đi đâu cũng khoe con mình tốt thế này, giỏi thế kia, ngoan thế nọ…, chung quy cũng chỉ sợ mất mặt.
Phần thứ nhất của bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo dân chúng về các
kinh sư, họ ưa mặc áo thụng xúng xính, đi đi lại trước mặt mọi người để chào
hỏi, để được những chỗ quan trọng trong các bữa tiệc và để moi tiền của
các bà góa nhẹ dạ dễ tin. Những lời cảnh
báo của Chúa Giêsu nghe cũng rất gần với lời cảnh báo của người Việt Nam bao
lâu nay: “Chiếc áo không làm nên thầy tu.”
Tuy nhiên, ngày nay tôi vẫn thấy có những tu sĩ thích mang những chiếc
áo dòng để được chào hỏi là “cha,” “thầy,” “sơ”... Tôi có thấy những lời của
Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay cũng là những gì Chúa Giêsu đang nói cho riêng
tôi? Tôi có lối sống giả hình, giả danh, giả đạo đức mà Chúa Giêsu đang nói tới không?
Tôi để ý Chúa Giêsu nói gì với tôi về lối sống giả hình, giả tạo của
tôi?
2.
Phần hai của bài đọc hôm nay ghi nhận một
việc làm đầy tin tưởng và quảng đại của một bà góa đối với Thiên Chúa. Phần hai này cũng là một biểu tượng để nói
Chúa Giêsu cũng giống như bà góa nghèo này.
Vì tin tưởng vào Chúa, bà góa này đã dâng tất cả những gì bà có; cũng thế, Chúa Giêsu chuẩn bị bước vào cuộc
khổ nạn, Ngài cũng sẽ dâng tất cả mạng sống của mình trong tay Chúa Cha. Điều này có thể khiến tôi phải tự hỏi: Tôi đã
quảng đại với Thiên Chúa như thế nào?
Niềm tin của tôi đối với Thiên Chúa có mạnh mẽ hay rất yếu đuối? Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu về niềm tin, lòng quảng đại, và xin cho có được đức tin và lòng quảng đại như
bà góa trên.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment