Sunday, November 7, 2021

Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên – Năm B –8 -11-2021

Thu Hai XXXII TN

Khôn Ngoan 1:1-7

1Hãy yêu chuộng đức công chính, hỡi những người cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Đức Chúa và thành tâm kiếm tìm Người. 2 Ai không thách thức Người thì được Người cho gặp.  Ai tin tưởng vào Người sẽ được Người tỏ mình cho thấy. 3 Những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa.  Kẻ ngu đần thử thách Đấng Quyền Năng sẽ bị Người làm cho bẽ mặt. 4 Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào; xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan không cư ngụ. 5 Thần khí thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và ghê tởm những chuyện bất công. 6 Đức Khôn Ngoan là thần khí hằng yêu mến con người, nhưng không miễn thứ cho kẻ nói lời phạm thượng.  Bởi vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can, dò xét lòng dạ đến nơi đến chốn và nghe thấy mọi lời miệng lưỡi thốt ra. 7 Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hợp nhất giữa muôn vật muôn loài, thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng.

(Trích Sách Khôn Ngoan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Khôn Ngoan.  Sách Khôn Ngoan được viết vào khoảng nửa thế kỷ đầu trước công nguyên, tại Hy-lạp và bằng tiếng Hy-lạp.  Sách được gọi là Sách Khôn Ngoan của Vua Sa-lô-môn, nhưng thực chất Vua Sa-lô-môn không phải là tác giả.  Đây chỉ là kỹ thuật văn chương thời bấy giờ; tác giả không lấy tên mình, nhưng lấy tên của những người nổi tiếng làm “tác giả” cho sách của họ.  Như vậy, ngày nay ta không thể biết rõ thực sự tác giả là ai, và là nam hay nữ.  Tuy nhiên đọc toàn bộ Sách, tôi có thể biết tác giả là một kiều bào Do-thái đang sống ở Hy-lạp, rất am hiểu văn hóa Hy-lạp, nhưng cũng rất tự hào về niềm tin Do-thái giáo.  Tác giả nhắm vào những kiều bào Do-thái giáo, để chỉ dạy họ hãy nhớ đến Chúa của mình, đừng chạy theo lối sống đa thần giáo tại Hy-lạp.  Sách có lối văn rất uyển chuyển nhưng cũng không kém phần hùng biện, nhờ cách dùng từ rất phong phú của tác giả.  Sách được chia làm ba phần rõ rệt: 1) Chương 1-5 nói về vai trò của đức khôn ngoan trong sự sống của con người.  Người nào sống theo Đức Khôn Ngoan sẽ được sống lâu và người nào chống lại Đức Khôn Ngoan sẽ tự hủy diệt chính mình; 2) Chương 6-9 nói về nguồn gốc, bản chất và cách để có được Đức Khôn Ngoan; 3) Chương 10-19 trình bày những việc làm của Đức Khôn Ngoan và Thiên Chúa cho dân của Người.  Sách Khôn Ngoan đã được các thánh Giáo phụ thế kỷ II đón nhận, nhưng cũng gặp nhiều chống đối, chẳng hạn như: Thánh Giê-rô-ni-mô.  Ngày nay, chỉ có Công giáo và Chính Thống giáo công nhận Sách Khôn Ngoan là một phần trong bộ Kinh Thánh, còn hầu hết các giáo phái Tin Lành đều không công nhận Sách này.  Tôi có thấy Sách Khôn Ngoan vẫn có giá trị cho đời sống đức tin của tôi?  Tôi có đang chạy theo lối sống đa thần giáo ngày nay, nơi đó, người ta thờ đủ mọi thứ: tiền bạc, danh vọng, vật chất, lối sống buông thả phóng đãng…, mà quên Chúa?  Tôi muốn bỏ giờ ra đọc toàn bộ Sách Khôn Ngoan để học biết những lời răn dạy vàng ngọc này. 

2.      Bài đọc hôm nay nằm trong chương đầu của Sách Khôn Ngoan, tức phần nói về vai trò của Đức Khôn Ngoan trong đời sống.  Bài đọc hôm nay nói đến những bậc lãnh đạo trong dân, đời cũng như đạo, hãy sống và làm theo những chỉ dạy của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được sống, bình an, hạnh phúc và chan hòa yêu thương.  Đức Khôn Ngoan mà Sách Khôn Ngoan nói ở đây không phải là Thiên Chúa, nhưng là những chân, thiện, mỹ, là đời sống liêm chính, lành thánh phản ánh một phần của Thiên Chúa.  Dù tôi không phải là lãnh đạo cộng đồng hay cộng đoàn giáo xứ, nhưng tôi có thể là người đứng đầu của gia đình, của một nhóm các bạn bè… nên những lời này vẫn có thể áp dụng cho tôi.  Tôi muốn được sống và hướng dẫn bởi Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.  Tôi muốn đọc lại từng lời trên của Sách Khôn Ngoan, một cách chậm rãi, nhiều lần, và để những lời này thấm thật sâu trong tâm hồn tôi, giúp tôi gần với Chúa và mọi người hơn mỗi ngày.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment